Kon Tum:

Những “ngôi nhà nhỏ” gieo chữ nơi cổng trời

(Dân trí) - “Tôi và vợ tôi gắn bó với trường tiểu học Măng Ri đã hơn 6 năm. Biết hai người yêu nhau và có ý định đi đến hôn nhân nên ban giám hiệu đã tạo điều kiện tổ chức bữa cơm tại trường mời các phụ huynh học sinh đến để mừng cho hạnh phúc đôi lứa…”, thầy Nguyễn Xuân Hạnh bộc bạch.

“Ngôi nhà nhỏ” cắm bản gieo chữ

Tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) tiểu học Măng Ri (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) có một số thầy cô giáo chung hành trình gieo chữ cho học sinh nghèo đã yêu và lập gia đình ngay tại trường. Với lời thề “bám bản, gieo chữ” mà những “gia đình nhỏ” này đã gắn bỏ gần chục năm với ngôi trường vùng cao trên cổng trời Măng Ri.

Thầy Nguyễn Xuân Hạnh (Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Măng Ri nhớ lại chuyện tình giữa hai thầy cô: “Cách đây hơn 7 năm trước, tôi đang là một thầy giáo dạy ở huyện Kon Plong. Một lần tôi ra Quảng Nam đã tình cờ gặp cô Trần Thị Huyền Diệu, lúc ấy Diệu đang là cô sinh viên ngành Sư phạm. Một thời gian sau, cô Diệu ra trường và về dạy tại trường Măng Ri này. Sau đó, tôi cũng được chuyển về đây và chúng tôi quyến định kết hôn dưới sự chứng kiến của phụ huynh học sinh, ban giám hiệu nhà trường…”.


Gia đình thầy Hạnh và cô Diệu chung một lời thề “cắm bản, gieo chữ”.

Gia đình thầy Hạnh và cô Diệu chung một lời thề “cắm bản, gieo chữ”.

“Lễ cưới được tổ chức ấm cúng giữa sân trường, thế là chúng tôi đã thành vợ chồng. Giờ đây đã hơn 5 năm, chúng tôi sinh được hai con. Không muốn các con chịu khổ nên tôi đã gửi các con về quê Quảng Trị để bà nội chăm sóc. Chúng tôi cũng muốn gia đình đoàn tụ lắm, nhưng nơi vùng sâu “6 tháng nắng, 6 tháng mưa”, điều kiện khó khăn nên đành xa các con để “bám bản, gieo chữ”…Hai vợ chồng chúng tôi cũng thường động viên nhau, mỗi lúc Tết là thay nhau về thăm con…”, thầy Hạnh tâm sự thêm.

Gia đình nhỏ của thầy Thành và cô nhân viên trong trường Măng Ri
Gia đình nhỏ của thầy Thành và cô nhân viên trong trường Măng Ri

Cũng một thầy giáo trẻ đang làm tròn hai vai trò là người thầy và người cha ở ngôi trường vùng khó này là thầy Cao Đăng Thành (30 tuổi, quê Thanh Hóa). Thầy Thành cho biết: “Khoảng hơn 7 năm trước tôi ra trường và được phân công về ngôi trường vùng cao này. Sau nhiều năm gắn bó thì tôi đã đem lòng yêu cô nhân viên phụ trách nấu ăn trong trường. Trải qua bao nhiêu khó khăn thì 2 năm trước tôi đã cưới cô Nguyễn Thị Thùy Tuyên (26 tuổi, người Kon Tum). Cũng như mọi người thì tôi đã tổ chức một bữa tiệc nhỏ trong trường và xin nhà trường về ra mắt quê nội mấy ngày. Cũng tạo điều kiện tiện cho việc dạy học và công việc của vợ thì nhà trường đã cấp cho gia đỉnh tôi một phòng ở. Cũng rất vui khi 5 tháng trước, chúng tôi có con đầu lòng. Tuy có con sẽ khó khăn hơn, nhưng chúng tôi vẫn quyết động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ…Vì chúng tôi biết những học trò nơi đây cần chúng tôi…”.

Xuyên rừng thăm chồng

Là một cô giáo trẻ đã cống hiến hơn 8 năm trong nghề, cô Phạm Thị Trà My (GV tiểu học, trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri) thấu hiểu được những khó khăn ở ngôi trường vùng cao này. Cô My cho biết: “Ở đây 100% là học sinh người đồng bào Xê-đăng nên trình độ dân trí còn thấp. Muốn bà con phát triển kinh tế, xã hội thì trước hết phải làm tốt công tác giáo dục, phải có những người đưa ánh sáng giáo dục đến thì lúc đó nhận thức bà con mới đổi thay…Tôi về đây đã hơn 4 năm, mới đầu khi vượt hơn 400km từ Đăk Lăk để vào đây nhận công tác, tôi đã nao núng có ý định bỏ cuộc. Một thời gian tôi đã cảm nhận được tình cô, trò và phụ huynh cần chúng tôi đến như thế nào. Dần dần tôi cảm nhận được ngôi trường là nhà, các học sinh như những đứa con của mình…”.

Cô Phạm Thị Trà My thường vượt vài trăm cây số qua “cổng trời” để gặp chồng
Cô Phạm Thị Trà My thường vượt vài trăm cây số qua “cổng trời” để gặp chồng

Tâm sự về gia đình, cô My cười ngại ngùng nói: “Quê tôi ở Đăk Lăk, sau khi ra trường thì tôi vào đây dạy. Tôi mới cưới cách đây hơn 3 năm và có hai con nhỏ 1 tuổi và 2 tuổi, chồng là nghề điện ở Quảng Nam. Vợ chồng chúng tôi cách nhau một ngọn núi Ngọc Linh có độ cao hơn 2.000m…Mỗi lúc nhớ chồng là tôi lại khăn gói vượt gần 200km đường đèo qua núi Ngọc Linh để xuyên đến Quảng Nam thăm chồng. Rồi chiều hôm sau lại một mình đi về trường để sáng thứ hai dạy… Chồng tôi cũng vậy, hôm sinh nhật tôi anh ấy đã mang chiếc bánh sinh nhật từ Quảng Nam vượt qua những dãy núi cao để chúc mừng tôi. Đến nơi thì chiếc bánh cũng nát, hư hết…lúc đó tôi ứa nước mắt vì cảm động…”.

Ngôi trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri nằm gọn trong lòng chảo của dãy núi Ngọc Linh
Ngôi trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri nằm gọn trong lòng chảo của dãy núi Ngọc Linh

Tình yêu của những các thầy cô giáo trường Măng Ri đơn giản thế thôi, nhưng nó đã tiếp thêm động lực giúp các thầy cô “vững ý chí” trên hành trình gieo chữ bản cao. Không đơn giản mà họ vượt cả hàng trăm cây số để tìm đến chỉ để nhìn nhau một lần hay chung một lời thề “cắm bản, gieo chữ”. Họ đã đánh đổi những điều kiện dạy học tốt ở vùng đồng bằng, được gần gia đình để lên cống hiến tuổi trẻ cho giáo dục vùng cao cũng đã làm sáng lên phẩm chất cao quý của những người “chèo đò”.

Theo thầy Lê Anh Sơn - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Măng Ri cho biết: “Chúng tôi luôn ghi nhận những cống hiến, sự hy sinh của các thầy cô. Đồng thời, để các thầy cô yên tâm công tác thì chúng tôi đã tạo mọi điều kiện ăn ở, lễ Tết giúp các thầy cô về nhà được ăn tết gia đình…”.

Ngọc Linh là khối núi cao nhất miền Trung Việt Nam, nằm trên dải Trường Sơn. Khối núi này nằm trên cao nguyên phía Bắc Tây Nguyên trong địa phận tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai với độ cao khoảng 800 đến 2.800m. Khối núi này chạy theo ranh giới phía Đông hai huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei của tỉnh Kon Tum với các huyện Phước Sơn và Bắc Trà My, Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam, tiếp đến là trên ranh giới giữa huyện Kon Plông (Kon Tum) với các huyện Sơn Tây, Sơn hà, Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi và các huyện Kbang, Đắk Đoa của tỉnh Gia Lai.

​Phạm Hoàng

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục