Nâng cao chất lượng đại học: Cần đổi mới về tư duy truyền thống, quan hệ “thầy trò”

(Dân trí) - GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, đội ngũ cán bộ giảng viên là yếu tố then chốt của việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bên cạnh đó các trường đại học Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ về tư duy truyền thống trong quan hệ “thầy trò”.


Cán bộ giảng viên ở các trường đại học Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ về tư duy truyền thống trong quan hệ “thầy trò” để phù hợp với xã hội mới đang trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng và hội nhập quốc tế sâu, rộng.

Cán bộ giảng viên ở các trường đại học Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ về tư duy truyền thống trong quan hệ “thầy trò” để phù hợp với xã hội mới đang trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng và hội nhập quốc tế sâu, rộng.

GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết, để nâng cao chất lượng GDĐH cần có giải pháp đồng bộ và tổng thể đảm bảo đạt các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDĐH, trong đó các yếu tố quan trọng nhất, cụ thể:

Về Chương trình đào tạo, cần được xây dựng phù hợp với mục tiêu đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, hội nhập quốc tế và luôn được cập nhật, đổi mới. CTĐT cần đảm bảo các chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp.

Trong giảng dạy và học tập, để nâng cao chất lượng GDĐH cần đổi mới triệt để phương pháp giảng dạy và học tập, về cơ bản cần theo quan điểm lấy người học làm trung tâm, tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập, phối hợp linh hoạt học trên lớp với phương pháp học online, blended,…

Cần thực hiện ứng dụng CNTT, cụ thể, CNTT cần được đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ trong tất cả các hoạt động của nhà trường, bao gồm: giảng dạy, học tập, quản lý đào tạo, quản lý hành chính và các hoạt động khác nhằm tăng tính hiệu quả và phù hợp với xu thế phát triển công nghệ.

Đặc biệt, đội ngũ CBGV, đây là yếu tố then chốt của việc nâng cao chất lượng GDĐH, đội ngũ CBGV phải đáp ứng được và cập nhật được các yêu cầu mới và cập nhật về kiến thức của thế giới đang đổi thay nhanh chóng, mỗi CBGV cần không ngừng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và tin học.

Giảng viên phải là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Đặc biệt đối với CBGV ở các trường đại học Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ về tư duy truyền thống trong quan hệ “thầy trò” để phù hợp với xã hội mới đang trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng và hội nhập quốc tế sâu, rộng.

Cơ sở vật chất và Thư viện cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng GDĐH, kinh tế phát triển, nhu cầu vật chất nâng cao, các trường cần có hệ thống giảng đường, phòng học,… đảm bảo tiêu chuẩn, đặc biệt là cần có Thư viện với kho tư liệu được cập nhật và kết nối đảm bảo nhu cầu học tập, nghiên cứu của người học và giảng viên.

NCKH và Hợp tác quốc tế, các trường cần được đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này, CTĐT cần bám sát hơn với thực tế, với nhu cầu của thị trường lao động, cần gắn kết NCKH với đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo. Hợp tác quốc tế trong đào tạo (hội thảo, trao đổi sinh viên, giảng viên, liên kết đào tạo,…) góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo tính hội nhập quốc tế của giáo dục đại học.

Đặc biệt, phải công khai và minh bạch (trách nhiệm giải trình): Các trường cần cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo đáp ứng mục tiêu đào tạo, vì vậy cần công khai và minh bạch các thông tin về CTĐT, về đội ngũ giảng viên, về cơ sở vật chất và các hoạt động khác của trường để người học và xã hội biết và giám sát.

Công khai, minh bạch không chỉ là nghĩa vị của trường mà còn làm tăng tính trách nhiệm cũng như uy tín của trường.


GS.TS Trần Thọ Đạt

GS.TS Trần Thọ Đạt

Hướng tới đại học nghiên cứu

GS.TS Trần Thọ Đạt cho biết, trong suốt quá trình phát triển, trường ĐH Kinh tế quốc dân thường xuyên đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo (CTĐT) đáp ứng nhu cầu của xã hội ở mức cao nhất. Đến nay (2018) đã có tới 33 ngành đào tạo cấp IV với 80 CTĐT với nhiều ngành/CTĐT mới đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đang chuyển đổi và hội nhập ngày càng nhanh và mạnh.

Về giảng dạy và học tập, CTĐT của trường được xây dựng, đổi mới và cập nhật một cách toàn diện, hệ thống giáo trình học liệu được biên soạn theo các chuẩn quốc tế, 100% các môn học, học phần đều có Đề cương chi tiết (bằng tiếng Việt và tiếng Anh).

Hầu như tất các GV đều giảng dạy theo phương pháp hiện đại với ứng dụng CNTT và đổi mới trong quan hệ “thày trò” theo hướng hiện đại đồng thời vẫn gìn giữ được truyền thống “tôn sư trọng đạo” bằng Đề án “Văn hóa trường đại học” và các tuyên truyền, giáo dục chính trị về phép ứng xử trong trường với người học và CBGV.

Trong ứng dụng CNTT, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân ứng dụng CNTT trong tất cả các hoạt động giảng dạy, học tập và quản lý. Điển hình là ứng dụng đăng ký học online, hệ thống quản lý đào tạo online, tuyển sinh văn bằng 2 online, E-office, Office 365, đặc biệt là ứng dụng phần mềm chống sao chép Turnitin trong kiểm tra, đánh giá luận văn, chuyên đề của người học, xếp hạng Webometric được cải thiện.

Hiện đội ngũ GV của trường có tỷ lệ GS,PGS, TS thuộc nhóm cao trong các trường ĐH, với 16 GS, 136 PGS, gần 200 tiến sỹ (tỷ lệ GV có học vị TS chiếm hơn 43%, cao gấp 2 lần so toàn ngành), nhà trường có yêu cầu bắt buộc các GV trẻ phải làm NCS ở các nước phát triển.

Với mục tiêu trở thành trường định hướng nghiên cứu, trường ĐH Kinh tế Quốc dân có kế hoạch xây dựng đội ngũ GV mạnh, có chuyên môn cao, thành thạo ngoại ngữ, khả dĩ đáp ứng yêu cầu hoàn thành sứ mạng và mục tiêu của trường.

Đề án tuyển sinh của trường luôn được công bố sớm và rõ ràng, các CTĐT, hơn 800 đề cương chi tiết học phần được công cố công khai, bộ Slide bài giảng các môn học cũng được công khai trên mạng để người học tham khảo.

Hồng Hạnh (ghi)