Bạn đọc viết:
Học sinh “nghiện” Facebook, phải làm sao?
(Dân trí) - Nhân đọc bài viết “Bị bạn bè cô lập vì không chơi Facebook” của cô giáo Thanh Thanh trên báo Dân trí mà tôi cảm thấy lo lắng cho các em học sinh bây giờ. Bản thân cũng là cô giáo, tôi nhận thấy hầu hết các trò đều nghiện Facebook và mất quá nhiều thời gian trong ngày cho nó.
Con trai tôi năm nay 14 tuổi, đang học lớp 8 ở một trường cấp 2. Cháu cũng từng bị bạn cô lập vì không chơi Facebook. Bạn bè cháu cũng từng chê cười vì cho rằng cháu lạc hậu. Có bạn còn bảo cháu rằng “Giờ ai không chơi Facebook là những kẻ khù khờ”. Vì vậy cháu cũng về xin mẹ mua điện thoại để lập một tài khoản Facebook. Lúc đầu ông xã tôi cũng bảo nên cho con chơi Facebook để con hòa nhập cùng bạn bè. Thế nhưng suy nghĩ kĩ tôi lại thấy không phù hợp với con chút nào.
Tôi rất sợ con nghiện Facebook rồi xao nhãng chuyện học hành. Với lại khi con kết bạn, tôi không thể kiểm sóat được hết bạn bè của cháu. Tôi sợ con bị rủ rê rồi rơi vào các tệ nạn xã hội. Ở tuổi này, tôi chỉ muốn con tập trung vào chuyện học hành, thời gian rảnh cháu có thể giải trí bằng cách xem truyền hình hoặc đọc sách. Sau khi tôi phân tích thiệt hơn mọi lẽ, cháu đã đồng ý và lại chuyên tâm vào chuyện học hành.
Thực ra tôi đã từng rất thích mạng xã hội, bản thân tôi cũng lập Facebook và thấy được rất nhiều lợi ích của nó. Khi có Facebook, tôi có thể kết bạn rất dễ dàng. Những người bạn cùng sở thích có thể chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống. Rồi khi có chuyện buồn chỉ cần đăng lên là sẽ nhận được vô số lời động viên... Ôi thôi tiện lợi đủ đường.
Thế nhưng chỉ một thời gian sau thì tôi bắt đầu nhận thấy những mặt trái của nó. Dường như, tôi dành quá nhiều thời gian cho Facebook. Ngày nào tôi cũng lướt phây để xem bạn bè hôm nay nghĩ gì rồi chen vào bình luận. Rồi chưa kể học trò giận dỗi vì cô không chịu chấp nhận lời mời kết bạn. Nếu chấp nhận thì lại hay cảm thấy bực mình vì các trò cãi nhau cũng đưa lên face. Cuối cùng chán nản tôi khóa tài khoản lại không xài nữa.
Bây giờ học trò cấp 1chơi Facebook cũng không có gì là chuyện lạ. Nhiều em còn chứng tỏ mình vì rành chơi Facebook. Có em bảo ngày nào không lướt face thì ăn không ngon ngủ không yên. Như vậy đủ thấy Facebook có vị trí quan trọng như thế nào trong các em. Nhiều em học hành đi xuống cũng vì nghiện Facebook mà ra. Ngày nào cũng chát, rồi chụp hình tự sướng để đăng lên phây. Nhiều phụ huynh mải làm ăn nên chẳng để ý đến chuyện này. Chỉ đến khi các con học hành sa sút mới giật mình nhận ra tác hại của trò chơi ảo này.
Tôi từng chứng kiến một học trò nữ vì nghiện Facebook mà học hành sa sút. Lúc trước em học rất giỏi. Cả gia đình luôn tự hào về thành tích của em. Rồi em đạt giải Nhất kì thi IOE vòng huyện nên ba em đã thưởng cho cô con gái yêu chiếc điện thoại đắt tiền. Lúc đầu ba em cứ tưởng có điện thoại đẹp con sẽ phấn đấu để học hành, ai ngờ em tạo Facebook và kết bạn rồi lơ là chuyện học.
Cuối học kì 1 vừa rồi ba em được cô giáo chủ nhiệm cho hay em luôn đến lớp trong tình trạng mất ngủ. Sức học thì đi xuống thấy rõ. Hoảng hồn, ba em đã bỏ hết công chuyện để ở bên khuyên nhủ con bỏ chơi phây. Sau những lời phân tích, động viên em đã nhận ra và hứa sẽ tập trung chuyện học hành. Rất may, em mới nghiện nên còn "chữa" được.
Thiết nghĩ đã đến lúc các ngành chức năng cần bàn luận để quy định lứa tuổi được sử dụng Facebook. Cần phải có chế tài cụ thể để tránh những tiêu cực mà Facebook đem đến.
Bên cạnh đó gia đình và nhà trường cần nhắc nhở, phân tích những mặt lợi, hại của mạng xã hội đem lại. Nhất là các bậc cha mẹ không nên mua điện thoại sớm cho con. Làm sao để các em hiểu được ở lứa tuổi học sinh thì công việc chính vẫn là chuyên tâm vào chuyện học hành.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!