Hà Nội: Giáo viên trường tư có mức lương từ 20 triệu đồng/tháng trở lên
(Dân trí) - Cũng giống như lương ở một số trường tư thục khác trên địa bàn Hà Nội, mức lương trung bình của giáo viên một trường tư có tiếng ở Hà Nội là 20 triệu đồng/tháng trở lên, thậm chí cao hơn nữa. Như vậy, hiểu vì sao nhiều giáo viên giỏi trường công lại đổ dồn sang trường tư dạy.
Thông tin một số cán bộ, giáo viên tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) xin chuyển công tác. Trong đó có hai phó hiệu trưởng, bốn giáo viên là khối trưởng lớp 1, 2, 3, 5 không phải là chuyện mới mà cũng không chỉ ở TP.HCM mà ở Thành phố Hà Nội cũng đã diễn ra từ lâu.
Lương cao để phấn đấu giữ vị trí
Để hiểu rõ hơn vì sao mức lương ở trường tư thục lại được trả cao như vậy, chất lượng ra sao? trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị một trường tư có tiếng ở Hà Nội (xin được dấu tên) cho biết, mức thu nhập này xứng đáng với công sức giáo viên bỏ ra.
Cụ thể, trường này trả lương cho giáo viên khoảng trên 20 triệu đồng/tháng, tổ trưởng 40 triệu đồng/tháng.... thậm chí Phó Hiệu trưởng khoảng 60 triệu đồng/tháng.
Theo vị chủ trường này, với sinh hoạt hiện nay ở thành phố, mức lương phải trả tầm trên 20 triệu đồng/tháng thì giáo viên mới tạm có cuộc sống ổn định. Nhà trường trả lương cho giáo viên theo nhiệm vụ công tác.
"Với mức lương này sẽ khuyến khích giáo viên phấn đấu giữ vị trí của họ. Quan trọng là giáo viên tự biết phải làm tốt và muốn xây dựng thương hiệu cá nhân, xây dựng hình ảnh của họ trước nhà trường, đồng nghiệp và phụ huynh" - vị chủ trường này cho hay.
Theo một vị đứng đầu trường tư khác Hà Nội cho rằng, giáo viên giỏi họ cần môi trường làm việc tốt, thân thiện, phát triển được bản thân. Đồng thời phải có mức lương để người ta đủ sống, lo cho gia đình.
Giáo viên sẽ bị đào thải nếu không được sự tín nhiệm
Vị chủ tịch trường tư trên cho hay, các trường tư luôn có cơ chế mở để cho giáo viên có năng lực phát huy hết khả năng của mình và họ được làm công việc sáng tạo, luôn luôn phải tìm hướng mới để phù hợp với sự phát triển của giáo dục. Có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh giữa các giáo viên, sự cạnh tranh giữa các trường.
Giáo viên không làm tốt, không nhận được sự tín nhiệm của phụ huynh sẽ bị đào thải.
"Nên có chế độ để làm sao có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các giáo viên. Tất cả mọi người đều nỗ lực. Chứ cứ dạy theo đánh trống hết giờ về như hiện nay thì trẻ con rất thiệt thòi" - vị này bày tỏ quan điểm.
Trả lương cao, yêu cầu cao
Một hiệu trưởng trường tư có tiếng ở Hà Nội cho biết, hàng năm, chúng tôi đều phải bổ sung đào tạo mới cho giáo viên như kỹ năng giảng dạy, phương pháp, giao tiếp, cách làm việc... Đồng thời dạy cho giáo viên phải biết lập kế hoạch, phải biết cách xác định mục tiêu.
Cụ thể, mỗi giáo viên phải biết lập kế hoạch theo năm, theo tháng, theo tuần, theo ngày... Đối với giáo viên việc xác định mục tiêu cực kỳ quan trọng vì đi dạy học phải biết mục tiêu của bài dạy; khi xác định mục tiêu phải có biện pháp thực hiện dạy học sinh như thế nào.
Ví dụ: một thầy/cô có tính kỷ luật cao thì mới dạy được học sinh có tính kỷ luật; cô tôn trọng đứa trẻ thì đứa trẻ mới tôn trọng cô.... vì vậy giáo viên phải học kỹ năng rất nhiều.
Về chuyên môn của giáo viên, nhà trường cũng kiểm soát chặt. Cụ thể, mỗi tuần phải ra phiếu bài cho môn học. Phiếu này phải bao phủ kiến thức học trong tuần. Kiến thức trong phiếu này phải có 70% kiến thức cơ bản và 30% kiến thức nâng cao.
Bên cạnh đó, mỗi tháng có bài thi tháng, nếu học sinh không làm được bài thi tháng thì đó là nhiệm vụ của cô giáo. Bài thi này hoàn toàn làm trên máy, giáo viên không phải ra đề mà Ban giám hiệu nhà trường ra đề.
Chính vì vậy, trường không bao giờ có dự giờ. Đánh giá giáo viên theo bài thi tháng của học sinh. Bài thi tháng của học sinh phải đạt 8 điểm trở lên mới đạt yêu cầu, học sinh nào không đạt cô phải dạy bằng được bao giờ đạt thì thôi và không được thu tiền của phụ huynh.
Vị chủ trường tư có tiếng Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất của một ngôi trường để thành công là dựa vào chương trình, đội ngũ giáo viên, đầu vào của học sinh và sự lựa xu thế phát triển của nhà trường.
Hiện nay, xu thế giáo dục là phát triển toàn diện học sinh, ngoài việc học tốt các môn cơ bản, học sinh phải có tư duy lôzíc tốt, tiếng Anh tốt, kỹ năng tốt và phải thích nghi được với cái mới. Theo đó, giáo viên cũng phải nâng trình độ, kỹ năng của mình tốt hơn.
Hồng Hạnh