Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục Đại học:
“30% thành viên bên ngoài vào hội đồng trường là hơi nhiều”
(Dân trí) - Đó là ý kiến được nhiều lãnh đạo trường đại học đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học do Bộ GD&ĐT và ĐHQG Hà Nội phối hợp tổ chức chiều ngày 5/12 tại Hà Nội.
Nên để tối thiếu là 20%
Tại hội thảo, đa phần ý kiến đồng thuận và đánh giá cao tinh thần đổi mới, giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường. Một số vấn đề còn băn khoăn được trao đổi sôi nổi, thẳn thắn gồm: hội đồng trường, phân tầng, xếp hạng đại học; chính sách đầu tư; xã hội hóa giáo dục; văn bằng; thời gian đào tạo…
Về Hội đồng trường, rất nhiều ý kiến cho rằng, thành viên bên ngoài chiếm tỉ lệ 30% là hơi cao.
Theo ông Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội phát biểu: “Các đại diện từ bên ngoài có thể nắm chuyên môn của họ nhưng nếu nói về quy trình, tổ chức đào tạo thì không chắc. Thực tế cho thấy, rất cần thành viên bên ngoài để hiểu rõ nhu cầu xã hội, nhu cầu thực tế trong lĩnh vực cần gì để nhà trường có thể xây dựng kế hoạch đào tạo. Tuy nhiên, để quá nhiều thì cũng không có lợi. Nên giảm xuống ít nhất còn 20%. Trong trường hợp cơ sở muốn bổ sung thêm thì vẫn có “độ mở”.
Ông Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực đồng tình: “Một hội đồng trường có nhiều thành viên từ bên ngoài thì độ sâu sát với trường không thể như các thành viên trong trường”.
Góp ý về việc này, ông Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để xác định rõ vai trò của hội đồng trường thì tỷ lệ cán bộ giảng viên các bộ môn, các khoa phải được tăng lên, thay vì nâng số lượng thành viên bên ngoài lên tối thiểu 30%.
“Các thành viên bên ngoài trường nếu chiếm tối thiểu 30%, tức là gần 1/3. Tôi nghĩ hợp lý chỉ nên quy định tối thiểu 20%. Hội đồng trường bám sát các hoạt động của nhà trường trong từng năm một. Bởi vậy số lượng các cán bộ, giảng viên trong các khoa, bộ môn cần tăng lên chứ không chỉ như dự thảo đưa ra là chỉ tối thiểu 25% tổng số thành viên”, ông Nội nhận định.
Ông Đào Văn Đông (Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải) cũng kiến nghị nên chỉ để con số ở mức tối thiểu 20%. Bởi lẽ, có các doanh nghiệp bên ngoài là rất tốt nhưng những quy định sẽ gây khó khăn cho các trường khi muốn tìm kiếm đối tác để tham gia vào hội đồng trường.
Ông Nguyễn Khắc Thiêm - Phó Hiệu trưởng ĐH Hàng hải Việt Nam cũng đề xuất, tối thiếu thành viên bên ngoài vào hội đồng trường là 20%.
Trước những băn khoăn, kiến nghị giảm mức tỉ lệ thành viên bên ngoài vào hội đồng trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho hay: "Khi chúng tôi tham khảo thế giới, Hội đồng trường ở các nước phát triển có đến khoảng 50-60% là thành viên bên ngoài. Họ là những người nắm và đưa tính định hướng thị trường vào trong trường để nhà trường phát triển đúng cơ chế thị trường".
Tuy nhiên, bà Phụng cho biết Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về vấn đề này.
Hiệu trưởng do Bộ GD&ĐT hay cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận?
Tại hội thảo, nhiều đại diện cũng đóng góp ý kiến cho khoản 2 mục d - Điều 16 với 2 phương án chọn về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường. Phương án 1 là hội đồng trường sẽ tổ chức thực hiện quy trình bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng trình Bộ GD&ĐT công nhận và phương án 2 là trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.
Ông Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải đồng tình phương án 2 bởi theo ông, nó có thể đảm bảo nếu sau này không còn cơ chế bộ chủ quản thì vẫn áp dụng được.
Ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng kiến nghị chọn phương án 2 vì cho rằng nếu việc bầu hiệu trưởng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận thì sẽ thuận lợi hơn.
Đại diện này chia sẻ: “Nếu chỉ trình Bộ GD&ĐT thôi thì vai trò của Bộ chủ quản như thế nào? Nếu sau này cơ chế bộ chủ quản xem xét lại thì việc này cũng giúp dễ khắc phục hơn sau này về luật”.
Ông Thi cũng kiến nghị thêm, việc phân tầng đại học thành hai hướng nghiên cứu và ứng dụng là quá rạch ròi. Hiện trường đại học có Viện nghiên cứu, kết quả nghiên cứu phục vụ quá trình đào tạo. Tức là rất nhiều trường có cả hoạt động nghiên cứu và đào tạo song song, hỗ trợ nhau. Do vậy nếu phân định quá rạch ròi thì khi áp dụng vào thực tế có độ vênh và sự bất cập.
Lệ Thu