Đề thi "vô duyên" không nhiều, nhưng cũng cần cảnh báo
Trước những băn khoăn về đề thi mở, đặc biệt trong các kỳ thi quan trọng sắp tới, PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ với phóng viên về những vướng mắc trong quá trình làm đề thi và những lỗi dễ mắc phải của người ra đề.
- Đề thi đòi hỏi phải chuẩn mực, chính xác để đánh giá học sinh nhưng gần đây nhiều đề thi gây “bão” dư luận bởi những lỗi không nên có. Ông nghĩ sao khi có ý kiến nghi ngờ trình độ của người ra đề?
- Dư luận đang đề cập rất nhiều tới việc đề thi, đề kiểm tra chạy theo trào lưu phim ảnh, sự kiện giải trí… Tôi cho rằng, ra đề mở là cần thiết vì vừa gây hứng thú cho học sinh vừa phát huy tính sáng tạo cá nhân. Đề ra theo quy trình sẽ bắt buộc học sinh phải trả lời theo đáp án sẵn có, làm giảm tính sáng tạo của học sinh. Muốn tránh tình trạng này, đề thi phải rất sáng tạo.
Tôi cho rằng, các thầy cô đang rất nỗ lực và đã có những đề mở khá hay, được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về lĩnh vực này chưa theo kịp yêu cầu. Giáo viên ra đề mà chưa có kinh nghiệm, năng lực có hạn sẽ đưa những câu hỏi gây cười, gây khó cho học sinh.
- Không phải ai cũng đồng tình khi đề thi đang có phần lạm dụng các tình tiết trong phim ảnh, đời tư ca sĩ, diễn viên thay vì những nội dung thời sự nghiêm túc. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Việc đưa những sự kiện mới nổi, tên tuổi người nổi tiếng vào đề thi... là một trào lưu hiện nay. Đời sống rất đa dạng nên có thể đưa nhiều vấn đề. Nhưng điều này không có nghĩa cái gì đang là trào lưu, đang “hot” thì cũng đưa vào đề thi chỉ vì người ra đề hay một số học sinh thích thú hoặc để gây sự chú ý của dư luận. Bên cạnh đó, lỗi lớn của giáo viên và cán bộ quản lý khi làm đề thi là nhiều khi đưa ra tình tiết phụ nhưng lại lấn át nội dung cần kiểm tra.
Đề thi đưa bối cảnh cuộc sống vào cho học sinh để kiểm tra, đánh giá nhưng học sinh lại quá hứng thú với chi tiết phụ mà xao nhãng, không tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ trong nội dung bài kiểm tra chính được đặt ra trong bài kiểm tra.
- Có vẻ như những đề thi kiểu “câu khách” đang lấn át đề thi hay, đề thi truyền thống?
- Không thể đưa ra con số chính xác để phân tích nhưng tôi cho rằng những đề thi bị phê phán, gây tranh luận trên mạng không nhiều so với những đề thi hay, đề thi truyền thống. Không phải ai cũng tiếp cận được với đề thi ở từng cơ sở trường học nên chỉ những đề “vô duyên” hoặc đặc biệt mới xuất hiện trên mạng. Mặc dù tỷ lệ đề dở không nhiều nhưng tôi cho rằng đây cũng là cảnh báo để thầy cô thận trọng hơn trong công việc của mình.
Ngoài ra, dư luận cũng cần hiểu, bất cứ đề thi nào, thậm chí là đề thi quốc gia vẫn có thể có sai sót. Giáo viên cũng có thể sai, quan trọng là chỉ ra được để họ rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn trong tương lai.
- Vậy một đề thi chuẩn mực cần những điều kiện gì, thưa ông?
- Đề thi mở hay đóng cũng đều có mặt mạnh, mặt yếu. Đề thi phải căn cứ theo chuẩn đánh giá của chương trình giáo dục, tuy nhiên hiện tại ta chưa có chuẩn đánh giá này. Vì vậy, giáo viên phải cân nhắc kỹ về tỷ trọng giữa kiến thức và thông tin thời sự cũng như yêu cầu về năng lực vận dụng kiến thức ở học sinh để lý giải những vấn đề trong cuộc sống.
Việc đưa thực tế đời sống vào đề thi như thế nào phải cân nhắc tùy theo thực tế mỗi trường, học sinh, giáo viên, điều kiện dạy học... Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi cũng đang được chúng tôi tiến hành nhưng việc sử dụng như thế nào không phải đơn giản là nhặt các câu hỏi có sẵn để đưa vào là xong. Cần có kiểm định, đánh giá đề thi có giá trị hay không. Biên soạn đề thi, kiểm tra là một vấn đề khoa học liên quan đến nhiều công đoạn.
Theo An ninh Thủ đô