Đề thi Giáo dục công dân: Học sinh không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm

(Dân trí) - Để làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan môn Giáo dục công dân, học sinh không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa, nội dung như trong sách giáo khoa, mà điều quan trọng là biết phân tích, tổng hợp, lý giải, nhận xét đánh giá các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội.

Đó là nhận định về đề thi minh họa môn Giáo dục công dân của cô Nguyễn Thị Thùy Trang - Giáo viên trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội.


Giáo dục công dân là môn thi mới nên rất nhiều học sinh băn khoăn về cách ôn tập

Giáo dục công dân là môn thi mới nên rất nhiều học sinh băn khoăn về cách ôn tập

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, môn Giáo dục công dân (GDCD) là một cấu phần trong tổ hợp môn thi Khoa học xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên môn học này được đưa vào thi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan.

Đánh giá về quyết định đưa môn GDCD vào danh sách các môn thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 của Bộ GDĐT, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Trang - Giáo viên trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội cho biết, trước đây môn GDCD không thuộc danh sách các môn thi tốt nghiệp và thi đại học, cao đẳng, nên ở lớp 12 học sinh thường coi nhẹ. Cũng một số nơi, nhà trường thường đẩy nhanh việc dạy học nhằm kết thúc sớm môn này để dành thời gian cho các môn khác cần thiết cho thi đại học, cao đẳng.

Theo cô Trang, việc đưa môn GDCD vào danh sách các môn thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 với đề thi trắc nghiệm khách quan, giáo viên và học sinh phải thay đổi tinh thần và phương pháp dạy học môn GDCD. Việc dạy và học sẽ được thực hiện theo hướng tích cực hơn và sẽ hạn chế tình trạng học sinh coi nhẹ môn học; dạy học qua loa như ở một số nơi trước đây.

Nội dung đề thi trắc nghiệm nằm trong tất cả các bài học (trừ các bài và những nội dung giảm tải) ở lớp 12, giáo viên và học sinh sẽ phải dạy và học đầy đủ tất cả các bài, các nội dung trong Chương trình GDCD lớp 12. Nếu học sinh học tủ, học lệch, coi trọng bài này và coi nhẹ bài khác thì có thể sẽ dẫn đến kết quả không tốt. Tôi nghĩ, đây là điểm mới, tích cực của môn GDCD trong xu thế đổi mới giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay.

Nhiều câu hỏi phân hóa trong đề thi

Môn GDCD trở thành một cấu phần trong tổ hợp môn thi Khoa học xã hội khiến cho các thí sinh rất lo lắng khi các em không biết nên ôn tập từ đâu và bắt đầu như thế nào? Cô Trang cho rằng, nội dung đề thi nằm trong Chương trình môn GDCD lớp 12 “Công dân với pháp luật”.

Với 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, mỗi câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án trả lời, và có duy nhất 1 phương án trả lời đúng, trong đề thi có các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT (nhận biết: 40%, thông hiểu: 20%) và các câu hỏi phân hóa (vận dụng bậc thấp: 30%, vận dụng bậc cao: 10%) phục vụ mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng. Với cấu trúc này, đề thi đáp ứng được yêu cầu đánh giá kết quả học tập, đảm bảo tính phân hóa rõ rệt, tạo thuận lợi cho học sinh làm bài theo lực học thực tế của mình.

Nội dung gắn bó mật thiết với thực tiễn đời sống xã hội

Theo cô Trang, đề thi minh họa có nhiều câu hỏi trắc nghiệm khách quan mang tính tổng hợp nên học sinh cần vận dụng tổng hợp kiến thức và kỹ năng bộ môn một cách tích cực mới có thể có câu trả lời đúng được.

Để làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, học sinh không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa, nội dung như trong sách giáo khoa, mà điều quan trọng là biết phân tích, tổng hợp, lý giải, nhận xét đánh giá các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội. Đây là điểm mới mang tính lợi thế nổi bật của đề thi môn GDCD theo hình thức trắc nghiệm, phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục hiện nay trên thế giới.

Cô Trang cho rằng, đặc thù của môn GDCD là có nội dung gắn bó mật thiết với thực tiễn đời sống xã hội. Trong đề thi sẽ có 40% câu hỏi vận dụng bậc thấp và vận dụng bậc cao. Để làm được những câu hỏi này, giáo viên và học sinh phải đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích cực hơn: Vận dụng nội dung kiến thức bài học vào việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi.

Quá trình học sẽ hình thành ở học sinh các năng lực tư duy phê phán, năng lực phân tích – tổng hợp, năng lực nhận xét đánh giá, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực thực hiện trách nhiệm công dân,… phù hợp với yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

“Đề thi trắc nghiệm môn GDCD cũng rất thuận lợi cho việc tổ chức học tập của học sinh. Với cấu trúc đề thi này, học sinh không nên quá lo lắng mà chỉ cần học đầy đủ, học kỹ kiến thức ở trên lớp và làm bài tập luyện tập củng cố, vận dụng thì có thể làm được và làm tốt bài thi” – cô Trang nhấn mạnh.

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm