Cử nhân “ém” bằng, đi xin việc phổ thông
(Dân trí) - Trường đời không như trường học, nhiều cử nhân tốt nghiệp gập ghềnh trên con đường tìm việc đúng chuyên môn buộc phải xoay đủ việc để sống sót. Nhiều cử còn phải giấu bằng cấp để dễ xin việc hơn.
Xoay đủ cách để sống
Tình trạng cử nhân ra trường thất nghiệp là vấn đề nóng sốt trong nhiều năm trở lại đây. Nhất là khi số cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm ngày càng tăng. Bấp bênh hoặc không xin nổi việc dựa vào bằng cấp, nhiều cử nhân phải bươn chải đủ công việc phổ thông như giúp việc nhà, bán hàng, bảo vệ… để sống sót.
Tốt nghiệp Trường ĐH K. (TPHCM), ngôi trường mà Thùy Vinh quê ở Nha Trang phải dốc sức thi đến năm thứ 2 mới đỗ nhưng ra trường hơn ba năm, cô vẫn chưa tìm được một công việc ổn định đúng chuyên ngành. Năm đầu tiên, Vinh còn ung dung nộp hồ sơ, đi phỏng vấn, thử việc và… nghỉ chờ cơ hội. Nhưng khi không thể nằm dài sống bằng “viện trợ” từ bố mẹ, Vinh buộc phải tìm những công việc ngắn hạn để nuôi mình.
Vinh đã trải qua vô số việc không sử dụng đến bằng cử nhân như phát - dán tờ rơi, gia sư, bán hàng, phục vụ quán ăn… Vinh nói rằng, những công việc này cũng chẳng dễ kiếm tiền nên buộc phải chi tiêu tiết kiệm. Hiện tại, Vinh đi phục vụ ở nhà hàng tiệc cưới và vẫn ở ghép phòng trọ cùng các em sinh viên như thời… sinh viên.
Tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế một trường ĐH ở miền Trung, Nguyễn Văn Đức cầm bằng vào TPHCM kiếm việc. Hồ sơ rải khắp nơi mà cơ hội chẳng đến, Đức cũng thử một vài nơi mà không có kết quả. Chờ việc xứng tầm với bằng cấp không nổi trong khi hàng ngày, Đức cần tiền - trước hết là để tồn tại.
Chàng cử nhân đi phụ hồ, trông xe cho quán cơm. Dịp trước Tết, Đức theo một người bạn lên Lâm Đồng tưới cà phê thuê với tiền công 200.000 đồng/ngày được bao ăn ở.
Đức đang tập “làm chủ” với công việc bán hàng rong đồ tiêu dùng lặt vặt ở chợ đêm Hạnh Thông Tây, TPHCM. Cậu hy vọng chuyên môn có thể thể giúp mình ít nhiều trong công việc mới này chứ trước giờ “đi làm chẳng cần bằng cấp”.
Công việc phổ thông nhiều cử nhân lựa chọn khi không tìm được việc làm đúng chuyên ngành là công nhân. Tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai… có không ít cử nhân đang làm việc ở các nhà máy sản xuất bánh kẹo, may mặc.
Trần Ngọc Thương, tốt nghiệp chuyên ngành Marketing, ĐH C. làm việc ở khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Bình Dương gần hai năm nay. Ngày làm 8 tiếng, thêm tăng ca từ 2-3 tiếng, thu nhập của Thương khoảng 6 triệu đồng.
“Đi làm công nhân thì không cần phải dùng bằng cấp để xin việc, thậm chí phải giấu đi. Ban đầu đồng nghiệp cùng đứng máy, công nhân cùng phòng trọ không biết mình tốt nghiệp ĐH. Nhưng giờ nhiều cử nhân đi làm công nhân ở đây lắm nên cũng chẳng ngại ngần nữa”, Thương bộc bạch.
"Ém" bằng để xin việc phổ thông
Với một số công việc phổ thông, cử nhân muốn “bon chen” còn buộc phải “ém” bằng đi mới có cơ hội xin được việc. Nguyễn Thị Ngân, tốt nghiệp chuyên ngành về Xã hội trường ĐH V. kể, việc tìm công việc phổ thông của mình từng gặp cản trở vì “trình độ cao”.
Khi không thể tìm việc đúng chuyên môn, Ngân chuyển hướng miễn sao có việc làm để kiếm sống. “Khi tôi xin vào vị trí lễ tân ở một khách sạn ở quận Gò Vấp, hăm hở nộp bằng kèm liền bị từ chối. Họ không có nhu cầu tuyển cử nhân, vị trí đó chỉ cần người tốt nghiệp 12 hoặc trung cấp”, Ngân nói.
Ngân đang bán hàng cho một đại lý giày dép ở Phú Nhuận, khi xin việc, Ngân chỉ khai tốt nghiệp lớp 12 và bít hẳn thông tin mình tốt nghiệp ĐH.
Quá trình tìm việc của mình, Ngân cho rằng, người tuyển dụng còn “e dè” những cử nhân… đi kiếm việc phổ thông. Có thể họ không có nhu cầu nhân lực có bằng cấp nhưng theo Ngân nhiều người đánh giá thấp cử nhân mà phải đi làm việc… lao động tay chân, lao động phổ thông cũng như e ngại khả năng chịu khó, chăm chỉ của cử nhân.
Đi xin nhặt… lông tổ yến, lỡ “khoe” trình độ cử nhân ngành Công nghệ thông tin mà Nguyễn Thị Oanh bị từ chối ngay. Ba tháng sau, Oanh quay lại chỗ cũ xin việc và “ém” đi việc mình đã tốt nghiệp ĐH lại được nhận. Oanh đang làm việc cùng nhiều người lao động tay chân và sinh viên đi làm thêm với thu nhập khoảng 150 - 180 đồng/ngày tùy năng suất.
Thực tế dư thừa trình độ lao động cử nhân, cử nhân tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu còn chiếm tỷ lệ cao buộc các sinh viên ra trường phải linh hoạt hơn trong tìm kiếm việc làm để nuôi sống mình.
Như Thùy Vinh ban đầu đi xin công việc phổ thông cũng gặp áp lực tâm lý. Còn giờ cô thoải mái, ít nhất thấy mình không… thất nghiệp. Cô gái trẻ hài hước: “Mình làm việc và có thể tự nuôi bản thân, dành dụm được chút ít nên có lẽ không nằm trong con số hàng vạn cử nhân ra trường thất nghiệp”,
Theo PGS.TS Đỗ Hạnh Nga (ĐH KHXH&NV, TPHCM) nhiều cử nhân kén việc, dễ dàng chấp nhận thất nghiệp vì họ vẫn có thể sống dựa, ỷ lại vào gia đình mà không quá lo lắng việc nuôi bản thân. Còn một khi các bạn phải tự lo cho mình, phải nuôi mình thì … không thất nghiệp được đâu, phải nỗ lực, phải năng động để kiếm việc - trước hết là để tồn tại.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)