Cần nhìn toàn diện về vị trí của môn Lịch sử trong chương trình mới
(Dân trí) - Việc tích hợp không chỉ nhằm đến việc nâng cao hiệu quả giáo dục mà còn giúp giải quyết vấn đề kĩ thuật khi xây dựng kế hoạch dạy học. Nhìn vào kế hoạch dạy học của nhiều nước có thể thấy rõ điều đó.
Trong những ngày qua, chúng ta chứng kiến nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vị trí môn Lịch sử trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới (gọi tắt là Dự thảo). Đặc biệt là ý kiến của nhiều nhà sử học hàng đầu không đồng tình với phương án tích hợp nội dung giáo dục lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình trung học phổ thông vì cho rằng việc tích hợp như vậy là thiếu cơ sở khoa học và sẽ đi đến việc xóa bỏ môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông.
Tôi chia sẻ với băn khoăn và có phần bất bình của các nhà chuyên môn. Chắc rằng Ban soạn thảo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt là Ban soạn thảo) sẽ phải cân nhắc các phương án lựa chọn trước khi có quyết định cuối cùng. Để có cái nhìn nhiều chiều, tôi xin trao đổi vài ý như sau:
Thứ nhất là vấn đề vị trí của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Tất cả chúng ta đều phải thống nhất với nhau rằng hiểu biết về cội nguồn, về lịch sử là một phần của thuộc tính người. Nếu thế hệ trẻ không hiểu biết về lịch sử dân tộc thì đó là một điều đáng báo động. Vì vậy, nâng cao hiệu quả giáo dục lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc là trách nhiệm không chỉ của giới Sử học mà còn là của toàn ngành giáo dục và của cả xã hội.
Tuy nhiên, không nên đồng nhất một cách đơn giản nếu không xếp Lịch sử thành môn bắt buộc thì thế hệ trẻ lãng quên quá khứ, và như vậy thì đất nước lâm nguy, nhất là trong bối cảnh chủ quyền của đất nước bị uy hiếp. Chủ quyền quốc gia là vấn đề cần đấu tranh quyết liệt, bền bỉ và lâu dài. Muốn giành thắng lợi, chúng ta phải mạnh toàn diện.
Trong việc giáo dục con người Việt Nam ngày nay, hiểu về quá khứ mới chỉ là một yêu cầu,nắm vững khoa học và công nghệ hiện đại là một yêu cầuquan trọng không kém. An ninh, chủ quyền quốc gia, thế đứng của đất nước phụ thuộc vào cả hai yêu cầu đó. Quỹ thời gian của giáo dục phổ thông rất có hạn mà chúng ta không được phép đánh giá thấp vai trò của các môn học khác như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Công nghệ, Tin học …
Thứ hai, giáo dục lịch sử cần thực hiện không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài nhà trường. Trong phạm vi nhà trường, đề cao vai trò của giáo dục lịch sử không có nghĩa là phải có môn Lịch sử có tên gọi riêng biệt, độc lập và dạy học bắt buộc ở tất cả ba cấp. Không thấy có tên gọi Lịch sử trong Dự thảo (giai đoạn giáo dục căn bản) mà cho rằng Ban soạn thảo xóa bỏ môn Lịch sử là không đúng với thực chất vấn đề. Đối với các môn khác như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Ban soạn thảo đều có cách xử lí tương tự như thế.
Có những nội dung lịch sử cần dạy tách biệt, nhưng có những nội dung cần tích hợp với các môn học khác để tránh trùng lặp, và quan trọng hơn để người học hiểu được các sự vật, hiện tượng trong tính chỉnh thể của nó. Xu thế chung ở các nền giáo dục phát triển là ở tiểu học và trung học cơ sở, chương trình quốc gia đều tích hợp Lịch sử với Địa lí và một số nội dung về văn hóa, xã hội vào chung một môn học theo những mức độ và cách thức khác nhau. Thông thường là trong môn học tích hợp này có những mạch riêng cho từng phân môn và có những nội dung, chủ đề liên môn. Trên tinh thần đổi mới giáo dục để hội nhập với thế giới, Dự thảo cũng theo xu thế chung đó.
Thứ ba, không nên quan niệm giáo dục lịch sử trong nhà trường là phải dạy các kiến thức của khoa học Lịch sử một cách hệ thống. Các môn học trong nhà trường có sự khác biệt nhất định với các khoa học chuyên ngành. Chương trình giáo dục phổ thông phải dựa trên thành tựu của các khoa học chuyên ngành, nhưng phải thiết kế lại thành các môn học trong nhà trường để đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất nhằm giúp học sinh có được những năng lực cốt lõi và phẩm chất quan trọng mà hệ thống giáo dục kì vọng. Vì vậy, lí lẽ cho rằng hai khoa học có đối tượng, phương pháp và mục đích nghiên cứu riêng thì không thể tích hợp được là không phù hợp với quan niệm về môn học trong giáo dục học hiện đại.
Thứ tư, do nhìn nhận tầm quan trọng của giáo dục lịch sử nên ở trung học phổ thông, ngoài thời lượng được phân bố như các môn khác (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Công nghệ, Tin học), Dự thảo còn đưa nội dung giáo dục lịch sử thành một phần bắt buộc trong môn học dự định tích hợplà Công dân với tổ quốc, chiếm thời lượng 105 tiết/năm cho cả môn học gồm 3 phân môn: Lịch sử, Quốc phòng-an ninh và Giáo dục công dân). Như vậy, phân bố thời lượng trong chương trình trung học phổ thông, giáo dục lịch sử chỉ đứng sau ba môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh). Nhiều ý kiến phát biểu gần đây có thể làm công luận hiểu không đúng tinh thần đó của Ban soạn thảo.
Thứ năm, như đại diện của Bộ đã giải thích, việc tích hợp các nội dung về giáo dục lịch sử, Giáo dục công dân và Giáo dục An ninh - Quốc phòng vào một môn học có tên mới là Công dân với Tổ quốc là nhằm tránh được sự chồng chéo, trùng lặp, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh có nhiều cơ hội vận dụng tổng hợp các nội dung giáo dục theo tinh thần tích hợp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục. Ngoài ra, việc tích hợp sẽ có tác dụng bổ sung, hỗ trợ và làm sáng tỏ cho nhau khi cùng hướng đến một mục tiêu chung.
Theo quan điểm cá nhân tôi, việc có thể tích hợp ba nội dung giáo dục đó được hay không,còn cần phải cân nhắc, nhưng các phương án mà Ban soạn thảocó thể lựa chọn là không nhiều vì số tiết cho cả ba phần nói trên không thể tăng hơn 3 tiết/tuần. Nếu tăng số tiết thì ảnh hưởng đến thời gian cho các môn tự chọn. Nếu học ba môn đó cùng một năm thì số môn học bắt buộc quá nhiều, vì ngoài ba môn này còn có các môn bắt buộc khác là Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh. Số tiết và số môn học bắt buộc quá nhiều sẽ đi ngược lại chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông là giảm thời lượng và môn học bắt buộc ở giai đoạn giáo dục theo định hướng nghề nghiệp, và cũng trái với xu hướng thiết kế hệ thống các môn học ở trung học phổ thông của các nền giáo dục tiên tiến. Như vậy, việc tích hợp không chỉ nhằm đến việc nâng cao hiệu quả giáo dục mà còn giúp giải quyết vấn đề kĩ thuật khi xây dựng kế hoạch dạy học. Nhìn vào kế hoạch dạy học của nhiều nước có thể thấy rõ điều đó.
PGS. TS. Bùi Mạnh Hùng
(Trường ĐH Sư phạm TPHCM)