“Báo động” số học sinh ngày càng giảm ở khối trường ngoài công lập tại Huế
(Dân trí) - Với số lượng học sinh (HS) tuyển được lèo tèo vài chục em trong năm học này theo chiều hướng “càng năm càng giảm” thì câu chuyện về một tương lai cho các trường phổ thông ngoài công lập ở Huế đặt trước tình trạng đáng báo động.
Số học sinh ngày càng giảm
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có 3 trường ngoài công lập tuyển sinh từ cấp mầm non đến THPT (đều cùng nằm tại TP Huế) là trường Huế Star, Chi Lăng và Trần Hưng Đạo (riêng trường này chỉ tuyển sinh cấp THPT).
Theo số liệu từ Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế ở cấp THPT năm học 2016-2017 trường Huế Star có 13 HS/60 chỉ tiêu; trường Chi Lăng là 43 HS/90 chỉ tiêu và trường Trần Hưng Đạo là 20 HS/90 chỉ tiêu.
Con số này đã giảm dần qua 2 năm học qua (2015-2016 và 2014-2015) theo thứ tự như sau: 27/60 và 30/160 (trường Huế Star); 110/90 và 122/160 (trường Chi Lăng); 72/90 và 127/160 (trường Trần Hưng Đạo).
Đối với cấp Tiểu học & THCS các trường có rất ít HS. Ở năm học này trường Huế Star chỉ có 15 cháu (Tiểu học) và 13 cháu/40 chỉ tiêu (THCS).
Đặc biệt ở trường Chi Lăng, toàn bộ 2 cấp trên với 9 khối học, tổng cộng toàn trường chỉ vỏn vẹn có 76 HS (toàn cấp Tiểu học có 42 HS và toàn cấp THCS có 34 HS).
Trước tình hình khó khăn này, trường Chi Lăng đã xin UBND TP Huế chuyển hết HS ở 2 cấp Tiểu học, THCS đến học các trường công lập khác, đồng nghĩa với việc “xóa bỏ” 2 cấp này ở trường, chỉ còn duy trì cấp THPT.
Nguyên nhân và giải pháp nào trong thời gian tới?
Ngày 23/9, PV đã có trao đổi với TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế trước thực trạng tuyển sinh “èo uột”, “dở sống dở chết” của các trường ngoài công lập trên.
TS. Hùng chia sẻ, việc xã hội hóa giáo dục thời gian qua là quan trọng vì các trường ngoài công lập đã chia sẻ gánh nặng với các trường công lập, tạo điều kiện để phân luồng, phân tuyến nhằm cho trường công lập phát triển hơn; và khá phù hợp với kinh tế đang đi lên của các gia đình, muốn cho con học ở các trường ngoài công lập có điều kiện.
Tuy nhiên, về mặt tuyển sinh ngày càng đi xuống ở khối trường này dù cơ sở vật chất trường đều tốt, nguyên nhân chính vẫn rất có thể là tâm lý phụ huynh do dựa vào 1 nền giáo dục công lập đã có từ lâu. Nếu gửi con vào học trường tư thì phụ huynh nghĩ là như cho con làm việc ở cơ sở tư nhân, dẫn đến sự không yên tâm, lo lắng. Có gì đó như sự tạm bợ, thất thế trong cuộc đua, kiểu như “thua chúng kém bạn”.
Tiếp đến là sự phát triển khối trường này mới chỉ 7-8 năm trở lại đây, trước đó là mô hình các trường bán công rất thành công. Do nằm ở vùng đất Huế nơi mà các trường công lập có lịch sử quá lâu, in đậm trong tiềm thức người dân nên họ tin vào một thương hiệu lớn bền vững hơn.
Mặc dù Sở đã tạo sự bình đẳng trong cơ hội tuyển sinh cho các trường, cho HS đăng ký tự nguyện vào các trường ngay từ đầu, chỉ khi nào đăng ký quá 20% chỉ tiêu thì mới tiến hành thi tuyển cũng như cho các trường đăng ký chỉ tiêu căn cứ vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Nhưng đến này số lượng HS vào học trường ngoài công lập chủ yếu là số HS bị “lọt” không vào được trường công mới tìm vào đây.
Hướng giải quyết nào trước thực trạng này? TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi: “Sở đề nghị các trường tìm xu hướng phát triển phù hợp, như chú ý tới khối mầm non hiện đang có nhu cầu lớn tại Huế... Trường nhất quyết cần tăng cường làm thương hiệu nhằm tạo nên những thương hiệu chất lượng trong giáo dục toàn diện là "giáo dục nhân cách gắn liền với chất lượng". Việc này cần phải quảng bá, truyền thông để giái quyết vấn đề tâm lý cho người dân, phụ huynh nhưng không phải một sớm một chiều mà cần phải có thời gian để chứng minh”.
Đại Dương