“Con đường âm nhạc” tháng chín:

Lần đầu cho Phó Đức Phương - lần cuối cho Việt Tú

Không sử dụng nhạc cụ dân tộc để đưa âm nhạc Phó Đức Phương đến một bờ bến lạ, lạ đến đâu thì... chính nhạc sĩ cũng chưa được biết.

Không ai có thể tưởng tượng âm nhạc và ca từ của Phó Đức Phương mà lại không gắn với dân ca và nhạc cụ truyền thống, nhưng bây giờ, trong “Con đường âm nhạc” lần 5, số tháng 9-2005 này, đạo diễn âm nhạc Thanh Phương - cũng là người phối khí cho chương trình - đã làm điều đó.

Một chút lo ngại cho những người làm chương trình: nhạc Phó Đức Phương thì hay, bài hát của ông thì quá nổi tiếng, nhưng thật ra, thật sự nổi chỉ không đến 10 bài, kiếm cho ra gần 20 bài để làm chương trình dày dặn hình như không dễ.

Biên tập Chu Minh Vũ trấn an ngay: không đến nỗi thiếu đâu, cứ kể các bài quen thuộc ra thì đã được đến tám rồi: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi, Không thể và có thể, Về quê.

“Vậy còn chất dân ca miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc bộ thấm đẫm trong tất cả các bài hát có làm chương trình trở nên đơn điệu?” - Vậy mới cần đến đạo diễn âm nhạc.

Con đường âm nhạc của Phó Đức Phương nếu chỉ có vậy thì quả là bằng phẳng và đơn điệu, chân dung của ông sẽ được mở rộng bằng những ca khúc cả cũ lẫn mới mà người nghe chưa quen tai nhưng sẽ cảm thấy “đã” sau khi gặp gỡ: Nha Trang thu, Con sông tuổi thơ (pop nhẹ), Có một mùa thu, Khoảng trống, Khúc hát phiêu linh, Giấc mơ trên biển (rock).

Thời gian sau này Phó Đức Phương viết rất ít và rất nặng, ông lại khó tính nên không tìm được ca sĩ hát ưng ý. Vậy là không công bố.

Bây giờ, những đứa con “đẻ khó” của ông sẽ chào công chúng dưới bàn tay bà đỡ của Thanh Phương.

Nhạc sĩ phối khí Thanh Phương vốn kiệm lời, anh giản dị: “Xưa nay ai cũng biết nhạc Phó Đức Phương là từ dân ca nên ai phối cũng cố khai thác cho hết chất dân ca. Tôi chỉ thử làm khác đi cho đỡ nhàm thôi. Trong dàn nhạc của tôi sẽ không có một nhạc cụ dân tộc nào hết. Tranh, bầu, sáo, nhị bỏ sạch. Bản thân giai điệu và ca từ đã thấm chất dân ca thì không cần phối khí tô đậm nó lên mà cần mở rộng biên độ thưởng thức sang hướng khác. Hầu hết các ca khúc được tôi phối dưới hình thức rock và world music. Vẫn là nhạc Phó Đức Phương thôi, nhưng khi nghe nó khán giả không phụ thuộc vùng miền âm nhạc nữa, có thể thả hồn đi khắp VN, thậm chí lạc sang đến... Mỹ cũng được nữa”.

Tuy nhiên, Thanh Phương cũng thú nhận: “Nhạc sĩ Phó Đức Phương chưa biết đâu. Chúng tôi (êkip đạo diễn sân khấu Việt Tú, biên tập Chu Minh Vũ và tôi) chưa lộ cho chú ấy biết điều này, vì ngại trong quá trình làm lỡ chú ấy có ý kiến (tâm lý thông thường của các nhạc sĩ lớn tuổi), mình lại nể nang thế là... lung lay”.

Một điều... lần đầu tiên nữa của “Con đường âm nhạc” là sự vắng mặt tuyệt đối của các diva. Mỹ Linh, từng lên đỉnh cao sự nghiệp bằng Chảy đi sông ơiTrên đỉnh Phù Vân, vắng mặt.

Thanh Lam, người từng tự làm mới mình bằng bản phối cực lạ Hồ trên núi của Quốc Trung, người say mê hát hàng trăm lần Không thể và có thể, cũng không tham gia.

Bù lại, sẽ có sự góp mặt trở lại của hai sao: Phương Thanh và Quang Linh trong những ca khúc êm ái đến bất ngờ. Cây đinh của chương trình sẽ là “Sao Mai” Tùng Dương.

Một tin buồn cho “Con đường âm nhạc”: sau chương trình tháng chín này, đạo diễn Việt Tú sẽ chính thức chia tay với chương trình này của VTV để tự chọn con đường cho chính mình.

Chính anh chứ không ai khác, bằng sự đóng góp thầm lặng của mình sau sân khấu, đã làm cho “Con đường âm nhạc” trở thành live show truyền hình hấp dẫn. Nhưng cũng không thể tiếc vì Việt Tú còn rất trẻ (anh sinh 1977) và có quyền chọn cho mình một đường đi mới.

Chưa biết nhà đài sẽ chọn ai thay Việt Tú, và chương trình tháng mười cũng chưa biết là “con đường âm nhạc” của ai!

 Theo Tuổi Trẻ