Sự hủy hoại của smartphone đối với trẻ nhỏ

(Dân trí) - Việc cho con trẻ sử dụng smartphone từ khi còn nhỏ sẽ gây ra nhiều tác hại cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực của smartphone giúp trẻ tiếp cận với các xu hướng hiện đại để vui chơi học tập. Tuy nhiên, nếu thiếu kiểm soát thời gian phù hợp thì smartphone sẽ đem đến cho trẻ những nguy hiểm khôn lường.

Gây áp lực lên đôi mắt trẻ

Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện từ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt trẻ nhỏ. Khi trẻ nhìn chằm chằm vào điện thoại hoặc xen kẽ giữa điện thoại và màn hình máy tính sẽ tạo áp lực lớn lên đôi mắt khiến mắt bị khô, mỏi và đau đầu. Đây chính là nguyên nhân ngày càng nhiều trẻ nhỏ phải đeo kính cận.

Ngoài ra, tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng xanh dẫn đến nhiều rối loạn về mắt, trong đó có bệnh thoái hóa điểm vàng cùng nguy cơ nhiễm độc võng mạc. Các bậc cha mẹ lưu ý, không nên cho trẻ nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính liên tục trong 20 phút.

Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện từ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)
Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện từ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

Tăng nguy cơ gây béo phì

Trẻ nhỏ dễ bị nghiện các trò chơi trên máy tính bảng hay điện thoại. Một khi bị cuốn vào trò chơi đó, chúng có thể ngồi hàng giờ để chơi. Việc lười vận động này gây rất nhiều nguy hại cho trẻ.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, những đứa trẻ dùng thiết bị công nghệ hàng giờ trong phòng ngủ sẽ tăng 30% nguy cơ béo phì so với những đứa trẻ khác. Khi đã mắc chứng bệnh béo phì, trẻ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như mắc bệnh tiểu đường, đau tim, thậm chí là khả năng đột quỵ.

Tạo nguy cơ trầm cảm

Trẻ em sử dụng máy tính bảng, điện thoại hoặc xem tivi quá nhiều sẽ phải đối mặt với những nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Việc bị “tấn công” dồn dập bởi những hình ảnh vui vẻ, hạnh phúc của người khác dễ khiến trẻ cảm thấy tự ti và có những suy nghĩ tiêu cực.

Điều nguy hại hơn khi trẻ sử dụng các thiết bị di động, trẻ sẽ dễ gặp phải tình trạng bạo lực Internet. Những hình ảnh, những bình luận ác ý có thể ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của trẻ em, đặc biệt là ở lứa tuổi dậy thì.

Theo các nhà nghiên cứu, chỉ nên giới hạn thời gian chơi các trò chơi máy tính, điện tử hay xem ti vi dưới 2 giờ/ngày với những trẻ em từ 10 tuổi trở lên. Những trẻ từ 0-8 tuổi, nên hạn chế thấp nhất thời gian tiếp xúc với màn hình thiết bị.

Trẻ nhỏ nghiện điện thoại, máy tính dễ bị trầm cảm (Ảnh: Internet)
Trẻ nhỏ nghiện điện thoại, máy tính dễ bị trầm cảm (Ảnh: Internet)

Trẻ dễ cáu gắt

Rất nhiều bố mẹ có thói quen dùng điện thoại di động hay máy tính bảng để xoa dịu những cơn bực tức, mè nheo của trẻ. Tuy nhiên, điều này sẽ càng làm trẻ trở lên bướng bỉnh hơn, cáu gắt và dễ dàng có những hành động không kiểm soát.

Ảnh hưởng tới giấc ngủ

Dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng hay các thiết bị đọc điện tử khiến trẻ dễ quên giờ đi ngủ, ngủ ít hơn. Ngoài ra, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình ức chế hoóc môn gây buồn ngủ và làm thay đổi chu kỳ ngủ - thức tự nhiên của cơ thể trẻ.

Do vậy không nên cho bé dùng điện thoại, máy tính bảng hay xem các chương trình tivi trước giờ ngủ để trẻ có được giấc ngủ sâu và ngủ ngon hơn.

Dùng điện thoại hay máy tính bảng sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của trẻ (Ảnh: Internet)
Dùng điện thoại hay máy tính bảng sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của trẻ (Ảnh: Internet)

Tăng nguy cơ bị bệnh tâm thần

Cảm xúc của trẻ nhỏ dễ bị tách ra, thậm chí là bị bạo lực internet khi chơi các thiết bị công nghệ thông minh. Nếu liên tục thua cuộc trong các trò chơi hay các vấn đề tương tự sẽ làm trẻ trở nên thiếu trận trọng và ích kỷ. Công nghệ khiến một đứa trẻ dễ bị kích động và có thể bị mất bình tĩnh bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, những hình ảnh và các diễn đàn trực tuyến có thể làm cho một đứa trẻ mới lớn hoặc trẻ vị thành niên cảm thấy khó chịu về cơ thể đang phát triển của mình.

Hạn chế khả năng giao tiếp

Trẻ nhỏ chỉ thích chơi các trò chơi trên máy tính hay điện thoại thay vì đi cùng bạn tham gia các buổi họp mặt gia đình. Về lâu dài, những điều tương tự khiến đứa trẻ trở lên khó gần hơn.

Ngoài ra, nghiện điện thoại và máy tính bảng còn khiến trẻ dần dần tách ra khỏi các mối quan hệ xã hội thông thường, thậm chí tạo nên bức tường ngăn cách vô hình với cha mẹ. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới sự tập trung, lòng tự trọng mà còn khiến trẻ đứng trước nguy cơ hạn chế khả năng giao tiếp.

Tổn thương cổ và cột sống

Nhiều chuyên gia gia trị liệu cột sống nước ngoài cảnh báo trẻ em 7 tuổi có thể bị gù lưng, cong vẹo cột sống do sử dụng smartphone quá nhiều. Hội chứng được gọi là 'chiếc cổ nhắn tin' bởi nó xảy ra khi trẻ ngồi cúi đầu, dán mắt vào điện thoại liên tục hàng giờ. Từ đó dẫn đến thay đổi toàn bộ cấu trúc xương gây thoái hóa đốt sống cổ; đau đầu, cổ, vai và lưng'.

Nhữ Trang