Nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung: “Đừng chết ở Fansipan”

“Tôi lên tiếng vì tôi không muốn có thêm một người trẻ phải chết một cách uổng phí như thế nữa, dù là đi theo tiếng gọi nào. Mạng sống con người quý giá lắm và đừng quên, ta đâu chỉ sống cho riêng mình...” - người vừa mới đây lên tiếng về cái chết của phượt thủ người Anh Aiden Shaw Webb qua bài viết “Đừng chết ở Fansipan”, cũng là người đã có trên 20 năm kinh nghiệm lội rừng từ Bắc chí Nam trò chuyện cùng “Buffet cuối tuần”.

Phùng Mỹ Trung hiện công tác tại Cục Hải quan Đồng Nai, nhưng niềm đam mê của anh lại là nghiên cứu sinh vật rừng.
Phùng Mỹ Trung hiện công tác tại Cục Hải quan Đồng Nai, nhưng niềm đam mê của anh lại là nghiên cứu sinh vật rừng.

Tôi “giận” Webb, cũng là vì thương Webb

Hầu hết mọi người đều bày tỏ nỗi tiếc thương ngậm ngùi trước cái chết “bất đắc kỳ tử” nơi đất khách của chàng phượt thủ 23 tuổi, riêng anh - một người từng không ít lần vượt Fansipan thì lại tỏ vẻ “giận” cậu ấy, vì sao vậy?

- Tôi giận, thật ra cũng là vì thương cậu ấy mà thôi, thương bố mẹ cậu ấy, bạn gái của cậu ấy và cả những người đi tìm cậu ấy... 23 tuổi, có đáng không chứ, để mà bỏ mạng tại một nơi heo hút, bỏ dở cuộc đời mới đi được có bấy nhiêu, gây tiếc thương cho bao người, nhất là cha mẹ, người yêu? Chưa kể, còn khiến hàng bao con người phải vất vả tìm kiếm trong suốt gần một tuần lễ, tốn kém biết bao sức người sức của, mà đấy là còn may chưa ai gặp phải mệnh hệ gì nơi rừng thiêng nước độc, chỉ vì một quyết định chủ quan và quá tự tin? Rồi cả ông Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên, không chừng tới đây lại mất việc chỉ vì một ông khách lạ vào vườn không xin phép, không mua vé vào, cũng không mua bảo hiểm… Một quyết định sai không chỉ cướp đi một mạng sống mà còn gây ảnh hưởng tới bao người!

Dù tiếc thương một người trẻ sống có ước mơ, thì chúng ta cũng phải thẳng thắn với nhau rằng: Trong chuyện này, rõ ràng Webb đã phạm phải cùng lúc quá nhiều sai lầm. Đó là cậu ấy đã tự tin thái quá khi một mình phượt vào một khu vực rừng núi được xem là khó khăn và hiểm trở nhất Việt Nam mà không qua công đoạn thăm dò, thám thính; không người đi cùng (một nhóm bạn hay một người dẫn đường là dân bản địa); cũng không kèm theo những thiết bị cầm tay tương thích (lẽ ra nên là một thiết bị GPS loại tốt); lại gần như không có bất kỳ một thiết bị cứu hộ nào, không lều, võng, không đồ ăn, áo ấm đủ để mặc khi gặp sự cố, trong điều kiện thời tiết thất thường vào mùa này ở Fansipan… Tóm lại, cậu ấy đã quá chủ quan và khinh suất những nguyên tắc cơ bản phượt nơi hoang dã.

Anh không nghĩ một người trẻ ham chinh phục thử thách như Webb là đáng ngưỡng mộ sao, trong bối cảnh quá nhiều người trẻ hiện nay đang sống quá “hộp”, “ếch ngồi đáy… net”, chỉ chém gió trên facebook là giỏi?

- Sống đẹp không phải là lý do để chúng ta được phép phạm sai lầm, nhất là khi nó liên quan đến mạng sống của chúng ta. Không ai trên đời này được sống hai lần cả, nên dù gì, chúng ta vẫn phải trân trọng từng khoảnh khắc được sống của mình.

Là một người say mê thiên nhiên, tôi dĩ nhiên đồng cảm với tình yêu của Webb, nhưng cũng vì là một người đi rừng chuyên nghiệp, nên tôi chắc chắn không đồng tình với quyết định có phần chủ quan kia. Tôi lên tiếng vì tôi không muốn có thêm một người trẻ phải chết một cách uổng phí như thế nữa, dù là đi theo tiếng gọi nào. Mạng sống con người quý giá lắm, và đừng quên, ta đâu chỉ sống cho riêng mình. Tiếc thương Webb, nhưng các bạn trẻ đừng nên coi đó là một hình mẫu sống, trong quyết định sai lầm của cậu ấy với chính mạng sống của mình.

Kỹ năng sống khác với kỹ năng… kiếm sống

Không ít thắng cảnh ở ta nổi tiếng cũng là nhờ có thêm những dấu chân lạ của những nhà thám hiểm nước ngoài. Chúng ta tiếc thương Webb, cũng vì cảm kích trước cách cậu ấy yêu mến một cảnh đẹp của Việt Nam…

- Điều đó thì hẳn rồi! Thật tuyệt vời khi các bạn đã đến, đã để lại những dấu chân và mang đi những bức ảnh, những thước phim…, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới! Nhưng chỉ mong các bạn, dù đến với bất kỳ mục đích nào, thì cũng đừng quên tuân thủ những quy định cần thiết ở nơi mình đến, và quan trọng là đừng chủ quan với mạng sống của mình.

Cứ mỗi lần xảy ra một vụ gây chết người không đáng như đắm tàu, đâm xe vì chở người quá tải, vì hành khách không mặc áo phao, hay ẩu đả đâm chém nhau chỉ vì phật lòng câu nói hay một cái nhìn đểu…, lại có câu chép miệng: “Mạng người Việt Nam giờ rẻ quá!”. Anh có nghĩ thế?

- Mạng người Việt Nam, cũng như bất kỳ ai trên thế gian này chưa bao giờ là rẻ cả! Chỉ là, chúng ta chưa được giáo dục đầy đủ về việc mạng sống là điều vô cùng quý giá mà thôi! Trong các lớp dạy kỹ năng sống của mình, thông qua các khóa học, các CLB “Em yêu thiên nhiên”, “Lên rừng xuống biển”, “Trở thành nhà khoa học trẻ…” mà tôi vẫn thường tổ chức trong các năm qua, điều tôi luôn nói với học sinh của mình là: Hãy biết quý trọng mạng sống của mình thì mới có thể biếu tặng tình yêu của mình tới những người mà mình yêu quý. Muốn thế, cần phải không ngừng tích lũy kỹ năng sống. Bình thường thì không sao cả, nhưng khi gặp sự cố, thì kỹ năng sống là cái phao đáng kể nhất! Đó là lý do tôi từng không ít lần nổi xung và kiên quyết đuổi ngay một em học sinh ra khỏi một chuyến tham quan của lớp, chỉ vì hồn nhiên leo lên thuyền ngồi mà không thèm mặc áo phao.

Khái niệm “kỹ năng sống” của anh có vẻ hơi hẹp và ít tính ứng dụng, so với các lớp dạy kỹ năng sống đại trà khác, chẳng hạn như lớp dạy cách diễn thuyết trước đám đông…?

- Đấy là kỹ năng… kiếm sống chứ đâu phải là kỹ năng sống! Với tôi, kỹ năng sống là những kỹ năng cơ bản để con người ta đối phó với những tình huống khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là những bất trắc, hiểm nguy. Một con tàu du lịch đột nhiên bị đắm, một chiếc máy bay bị rơi xuống một cánh rừng, và chỉ một vài người trong số đó may mắn sống sót… - những kỹ năng sống cần có lúc đó, đâu thừa, với bất

kỳ ai?

- Xin cảm ơn anh!

Phùng Mỹ Trung hiện công tác tại Cục Hải quan Đồng Nai, nhưng niềm đam mê của anh lại là nghiên cứu sinh vật rừng và là chủ nhân trang web www.vncreatures.net - trang web duy nhất ở ta về sinh vật rừng Việt Nam. Tại cuộc thi “Trí tuệ Việt Nam” năm 2000 do Báo Lao Động tổ chức, Phùng Mỹ Trung lúc đó còn là một chàng kiểm lâm từng vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành giải nhất với phần mềm CD-Rom "Sinh vật rừng Việt Nam", thực hiện cùng một sinh viên ngành CNTT.