Người tiêu dùng lo lắng vì chất tạo nạc trong thịt heo

Thông tin về chất tạo nạc liên tiếp được phát hiện gần đây ở các trang trại chăn nuôi heo phía Nam đã khiến ngành chăn nuôi khó khăn, người tiêu dùng e dè, lo lắng vì thịt heo là loại thực phẩm tiêu thụ phổ biến. Bên cạnh đó, người nuôi heo lỗ nặng vì heo mất giá, khó bán.

Sau hàng loạt sự cố, nhiều người tiêu dùng e dè với thịt heo ở chợ. Ảnh: P.Anh

Sau hàng loạt sự cố, nhiều người tiêu dùng e dè với thịt heo ở chợ. Ảnh: P.Anh

 

Sáng 26/8, chia sẻ trong buổi họp giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo Trung ương - Cơ quan thường trực phía Nam, ông Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho biết: “Từ nhiều năm nay, các chất Clenbuterol và Salbutamol (thuộc nhóm Beta-agonist) vốn được sử dụng trong thuốc chữa bệnh, nhưng vì có tác dụng kích thích tăng trưởng, làm heo không tích mỡ mà phát triển phần thịt nạc mang lại lợi nhuận đáng kể cho người chăn nuôi, nên mặc dù bị cấm, Clenbuterol và Salbutamol vẫn được sử dụng khá rộng rãi tại Việt Nam. Tình trạng này trước đây chỉ xảy ra ở những hộ nuôi nhỏ lẻ nhưng hiện nay phát hiện khá nhiều trang trại sử dụng”.

Theo ông Bình, có 4 nguyên nhân dẫn đến việc tình trạng này kéo dài, đó là: quản lý nhà nước, chăn nuôi, người tiêu dùng và truyền thông. Về quản lý nhà nước, so với tình hình thực tế, mức phạt hiện nay là rất thấp (đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là từ 5 - 10 triệu đồng; đối với trang trại là từ 10 - 20 triệu đồng). Nếu không thay đổi mức xử phạt, xử lý không nghiêm thì ngành chăn nuôi heo có nguy cơ phá sản.

Ngoài mức xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, theo ông Bình, một khó khăn nữa cho các cơ quan chức năng là khi nghi ngờ lò mổ hoặc các quầy thịt kinh doanh thịt heo có chứa chất cấm, phải giữ lại số thịt đó trong hệ thống cách đông và lấy mẫu đi kiểm tra. Khi mẫu thịt có kết quả dương tính với chất cấm mới xử phạt được. Còn nếu kết quả âm tính với chất cấm thì phải bồi thường thiệt hại cho chủ hàng. Điều này khiến các cơ quan chức năng cũng “oải”.

Về chăn nuôi, nguyên nhân bắt nguồn từ một số bộ phận nhỏ chủ cơ sở chăn nuôi heo vì hám lợi, sẵn sàng sử dụng những chất cấm nhằm tăng trọng và tăng tỷ lệ nạc cho gia súc, gia cầm mà không màng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Một số cơ sở thiếu kiến thức, thiếu sự cẩn trọng trong việc sử dụng chất phụ gia chăn nuôi, không biết nguồn gốc thực phẩm cũng đưa vào sử dụng. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến những người chăn nuôi chân chính.

Việc sử dụng chất cấm để tạo nạc trong chăn nuôi, một phần người dân ham lợi nhuận nhưng cũng còn do một số đối tượng thương lái ép họ phải làm như vậy. Heo sử dụng lớn nhanh hơn, ít mỡ, nhiều nạc và màu sắc thịt tươi nên được người sử dụng và các công ty chế biến ưa dùng. Tuy nhiên, sau đó người tiêu dùng bị những thông tin về thịt heo nhiễm chất tạo nạc khiến họ lo lắng và có những phản ứng quyết liệt là tẩy chay thịt heo.

Ông Bình cũng khuyến cáo, để tránh mua phải thịt heo có dùng chất cấm tạo nạc, người tiêu dùng không nên mua những miếng thịt có nạc nhiều, dính tận vào da, mà nên mua thịt có lớp mỡ từ 1cm trở lên, thịt màu hồng và không có mùi hôi.

Nên xử lý nặng hơn

Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM chia sẻ trước báo giới: “Sở dĩ giá thịt ngoại rẻ hơn thịt nội là do các sản phẩm như đùi gà, cánh gà, chân gà hay tim, phín, lưỡi bò… là phụ phẩm ở nước ngoài, nhưng lại là những sản phẩm “đặc sản” đối với người dân Việt Nam. Với thị trường tiêu thụ tốt, giá cả cạnh tranh, khiến các nhà xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm đã tìm đến nước ta như một thị trường mới đầy tiềm năng. Điều đó để nói lên việc nếu nông dân tiếp tục sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ dẫn đến người tiêu dùng tẩy chay hàng Việt và ưa chuộng hàng nhập thì chúng ta đã thua ngay trên sân nhà bởi nước ta là một đất nước nông nghiệp”.

“Để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cần đẩy mạnh lấy mẫu ở các lò mổ để kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện thì ngăn chặn không cho bán ra thị trường, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ vi phạm. Không chỉ dừng ở việc kiểm tra, phát hiện và bắt đóng cửa, mà cần có hình thức xử phạt cao hơn. Nên chăng xử phạt theo giá trị của lô hàng, vì người nông dân họ cần thu lợi nhuận, nếu vi phạm sẽ bị thiệt hại nặng nề về kinh tế khiến bọ phải e dè nếu tái phạm. Như vậy, việc xử phạt mới có tác dụng răn đe và làm giảm tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được”, ông Lừng cho biết.

Sáng 19/8, các cơ quan chức năng đã phát hiện 750 kg chất tạo nạc tại một cơ sở sản xuất thuốc thú y trên địa bàn quận Tân Phú (TPHCM), trong đó có Salbutamol - chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Trước đó (ngày 18/8), Chi cục Thú y Đồng Nai đã tiến hành xét nghiệm lần hai đối với đàn heo của 11/14 hộ có phát hiện dương tính với chất tạo nạc. Kết quả có 3/11 mẫu được xét nghiệm vẫn có kết quả dương tính với loại chất cấm này.

Theo Phương Anh

Gia đình & Xã hội