Nam tiếp viên đỏ mặt đỡ đẻ cho sản phụ trên tàu
Đoàn tàu SE 6 chuyển động sau một hồi còi dài. Tàu chạy chậm, cẩn thận vượt qua những điểm giao với đường dân sinh trong thành phố. Trên tàu hành khách đang hướng về cửa sổ để cố nhìn hình ảnh của một thành phố bị bỏ lại sau lưng.
Niềm vui đêm giao thừa
Chúng tôi được tiếp viên đưa đến giường 14 của toa 11. Toa xe rất sạch. Giường được phủ một lớp ga màu trắng. Chiếc gối trên đầu giường thơm mùi vải mới ...
Ngả lưng. Tấm nệm thật êm. Dường như bao nhiêu mệt nhọc cũng trôi theo tiếng xình xịch của máy tàu. Có tiếng mở cửa. Anh tiếp viên Nguyễn Văn Sơn nở nụ cười thật tươi, chú nghỉ một lát xong việc cháu trở lại trò chuyện với chú.
Nói thế nhưng không lâu anh trở lại. Nhìn anh, một người nhỏ thó trang nghiêm trong trang phục của một tiếp viên. "Mới đó mà cháu đã gắn bó với nghề tiếp viên đường sắt được 10 năm. Cháu sẽ còn phục vụ hành khách nhiều năm nữa bởi cháu rất yêu công việc này", Sơn trải lòng với chúng tôi.
Sơn còn trẻ, chỉ khoảng hơn 40 tuổi. Quê ở Hậu Lộc (Thanh Hóa), Sơn bước chân vào ngành đường sắt sau nhiều năm bươn chải mưu sinh nơi đất khách.
Những ngày đầu vào nghề, Sơn hơi ngỡ ngàng. Hành trình của một chuyến đi mất 4 ngày. Sau đó được nghỉ 4 ngày và cứ thế hết năm này sang năm khác. Trong 4 ngày trên tàu, Sơn được phân công phụ trách một toa tàu. Chỉ một mình, Sơn phải làm hết mọi việc. Từ soát vé lên tàu đến vệ sinh toa, từ miếng ăn đến giấc ngủ của hành khách, tất cả mọi việc nhằm đem đến sự thoải mái và an toàn cho hành khách đều do bàn tay của người tiếp viên trên tàu.
Những năm đầu, khách đi tàu còn nhiều công việc rất vất vả. Sơn kể: "Cháu đã xác định sống với cái nghề làm dâu trăm họ này thì có vui buồn gì cũng cam chịu. Bởi thế, cháu luôn thanh thản và lạc quan trong cuộc sống. Thế nhưng dù thế nào đi nữa thì với 4 ngày ròng rã cũng mỏi mệt lắm chú ơi".
Chú biết không - Sơn nhớ lại - trong đời chưa có lúc nào buồn như đêm giao thừa đầu tiên cháu ở trên tàu. Đêm ấy, thưa khách nhưng hầu hết cùng chung một tâm trạng, Tết xa nhà. Nhiều người ngồi thơ thẩn nhìn ra ngoài khung cửa. Nơi có ánh đèn leo lét, có tiếng cười nói của con trẻ, tiếng gọi nhau của người lớn khiến ai nấy cũng ngậm ngùi.
Cháu cũng thế. Ngồi trên ghế mà hình ảnh quê nhà cứ hiện lên. Giờ này, không biết bố mẹ cháu đã cúng giao thừa chưa? Các anh chị em đã chúc tụng năm mới bố mẹ chưa và nhất là có ai nhớ đến cháu không?
Nhưng rồi, những năm sau nỗi buồn vơi dần cho đến giao thừa năm nay, toàn bộ nhân viên trên tàu đã cùng hành khách đón giao thừa trên toa xe. Tàu cứ chạy. Người người vẫn vui vẫn chúc tụng nhau bằng những ly rượu xuân nồng ấm.
Vui buồn nghề tiếp viên
Sơn kể, làm được vài năm anh lấy vợ. Vợ Sơn người cùng, hai người vào Sài Gòn thuê một phòng trọ gần ga để sống. "Cháu vẫn đi tàu và vợ cháu ở nhà mưu sinh bằng những nghề lặt vặt...
Cuộc sống trên tàu vẫn cứ thế trôi qua. Giờ đây, ngồi nhớ lại những chuyến đi đầy ắp kỷ niệm càng làm cho cháu yêu nghề hơn", Sơn bộc bạch.
Có những lần tàu đang chạy bất ngờ có người đến báo hành khách gặp nạn. Sơn chạy đến. Một phụ nữ có thai nằm trên giường la thảm thiết. Chị có dấu hiệu sắp sinh. Hành khách trong phòng đã bỏ ra ngoài. Tàu đang chạy, còn khá xa mới đến ga dừng...
Được huấn luyện trong khóa học đào tạo tiếp viên, Sơn nhanh chóng vượt qua cảm giác bối rối, anh huy động thêm các chị phụ nữ khác cùng tham gia đỡ đẻ.
Vậy là tàu cứ chạy, người cứ sinh và tiếng khóc chào đời của đứa bé vang lên cũng vừa kịp đến ga gần nhất. Sản phụ được đưa xuống ga chuyển thẳng đến bệnh viên địa phương để hoàn thiên một ca sinh nở... Kể lại chuyện này, Sơn bảo, lúc ấy anh khá xấu hổ, nhưng vì tình huống cấp bách nên anh cùng kíp trực cố gắng hết sức.
Tàu đang chạy bỗng chậm lại. Chúng tôi nhìn ra bên ngoài. Đã đến cầu Gềnh. Đúng ngày này 2 năm trước cầu Gềnh bị sà lan tông sập. Giao thông đường sắt bị gián đoạn.
"Lúc ấy, không gì khổ hơn chú ạ. Sơn kể tiếp, tàu đến ga Biên Hòa thì phải trung chuyển khách bằng đường bộ về Sài Gòn và ngược lại. Cũng may chỉ trong 3 tháng cầu khôi phục lại.
Sơn xin phép chúng tôi dừng câu chuyện để làm việc vì tàu sắp đến ga Biên Hòa. Ngồi trên tàu, chúng tôi mới có dịp quan sát. Toa xe được đóng mới rất sang trọng và hiện đại. Những tiện nghi cần thiết trong sinh họat thường ngày đều có trên toa xe. Nhớ lại vài năm trước đây tàu hỏa còn rất nhếch nhác nhưng bây giờ trước mắt chúng tôi ngành đường sắt đã có một bước tiến khá dài rất đáng trân trọng.
Qua khỏi ga Biên Hòa tàu tăng tốc nhanh dần. "Anh có biết tàu sắp đến nơi 36 năm trước xảy ra tai nạn đường sắt thảm khốc không ?". Một hành khách cùng đi hỏi tôi. À, thì ra tàu sắp qua ga Trảng Bom rồi đến Bàu Cá nơi ngày 17/3/1982 đoàn tàu Nha Trang - Sai Gòn đã bị lật khi đến đoạn đường này. Khoảng 200 người chết. Sát bên đường tàu, nghĩa trang ĐS 17/3/1982 được thành lập với hơn 100 ngôi mộ vô danh.
Đoàn tàu tiếp tục lao tới. Một hồi còi dài vang lên. Chúng tôi nhìn ra cửa. Tàu đang đi ngang qua nghĩa trang. Tôi và người khách chung phòng không ai bảo ai cùng đứng lên hướng về ô cửa cúi đầu chào những người đã khuất ...
Theo Trần Chánh Nghĩa
Vietnamnet