Bến Tre:

Hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp, nông dân lo cứu đói cho… bò

(Dân trí) - Hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp khiến hàng ngàn ha lúa ở tỉnh Bến Tre bị mất trắng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn rơm, rạ cho bò ăn. Người dân nơi đây rất lo lắng, tìm mọi cách để cứu đói cho bò nhằm qua mùa khô hạn.

Tỉnh Bến Tre có tổng lượng đàn bò lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với gần 200 ngàn con, tập trung ở các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm... Từ lâu, người dân đã tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, lá cây, cỏ… để làm thức ăn cho bò. Theo đó, mỗi mùa vụ sản xuất lúa, nông dân gom rơm lại chất thành đống hình tháp để cho bò ăn quanh năm. Tuy nhiên, năm nay khô hạn khiến cho gần 10 ngàn ha trên tổng số 13.200 ha ở huyện Ba Tri (nơi diện tích lúa và đàn bò lớn nhất tỉnh - PV) đã bị thiệt hại nên nguồn rơm cho bò ăn cũng cạn kiệt.

Nông dân Bến Tre lo thiếu rơm cho bò ăn vì hạn, mặn

Hơn 1 tuần nay, ông Trần Văn Sơn (ngụ xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) phải tìm nguồn thức ăn để duy trì đàn bò 9 con của gia đình mình không bị ốm, mất sức. Nguồn rơm trong nhà còn rất ít nên ông Sơn ra sông cắt lục bình (bèo tây – PV) đem về cho bò ăn độn với rơm. Tuy nhiên, bò ăn được mấy ngày thì bị tiêu chảy nên ông ngưng cho ăn lục bình và phải tìm nguồn thức ăn khác.

Ông Sơn cho biết: “Tôi canh tác 8 công đất và thuê thêm 2 ha nữa chủ yếu trồng lúa để lấy rơm nuôi bò. Một năm làm 3 vụ lúa nên lượng rơm đủ cho bò ăn và tới mùa mưa còn bổ sung thêm cỏ để bò mau lớn. Tuy nhiên, năm nay hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt làm 2 ha lúa mất trắng, mấy công còn lại chuẩn bị trổ thì nghẹn đồng nên sẽ thiếu hàng tấn rơm cho bò ăn. Bây giờ mất mùa lo kiếm gạo ăn không có lấy đâu tiền mua rơm cho bò ăn”.

Khô hạn, xâm nhập mặn khiến lúa chết khô
Khô hạn, xâm nhập mặn khiến lúa chết khô

Theo ông Sơn, trung bình mỗi ngày 1 con bò ăn hết 1 bó rơm cuộn (khoảng 14kg) nhưng do rơm khan hiếm và giá tăng từng ngày nên nhiều người chăn nuôi chấp nhận giảm xuống phân nửa khẩu phần ăn chỉ để cầm cự và chấp nhận cho bò ốm.

Nông dân có thói quen trữ rơm thành đống để cho bò ăn quanh năm giờ đã cạn kiệt
Nông dân có thói quen trữ rơm thành đống để cho bò ăn quanh năm giờ đã cạn kiệt

Ông Hồ Văn Út, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa (Ba Tri, Bến Tre) cho biết: “Địa phương lo nhất là thiếu nguồn rơm cho bò ăn, vì năm nay hạn, mặn làm lúa chết nên nông dân vừa không thu hoạch lúa vừa không thu hoạch được rơm. Đàn bò 4.500 con của bà con chỉ cầm cự vì lượng cỏ rất hiếm và lượng rơm từ vụ trước đã cạn dần. Hiện tại người dân mua rơm cuộn thành từng bó được chở từ vùng Đồng Tháp, Long An về nhưng giá đắt, nhiều nông hộ không có tiền để mua”.

Rơm khô tăng giá khiến nhiều hộ chăn nuôi bò gặp khó khăn
Rơm khô tăng giá khiến nhiều hộ chăn nuôi bò gặp khó khăn

Để cứu đói cho bò, nhiều gia đình phải chấp nhận mua rơm với giá cao. Ông Nguyễn Văn Hòa, ngụ xã Thạnh Trị (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Bây giờ giá 2 kg rơm đã gần bằng 1kg lúa rồi nhưng người chăn nuôi cũng chấp nhận mua vì để bò ốm thì thiệt hại càng nhiều hơn. Ngoài việc cho bò ăn rơm, người dân phải ráng kiếm lá cây, thân cây ngô, trái cây hư hỏng… đem về cho bò ăn độn để đỡ tốn chi phí”. Theo ông Hòa, bây giờ cho bò ăn tiết kiệm lắm cũng 20 ngàn đồng mỗi ngày nên tốn chi phí khá lớn nếu nuôi với số lượng nhiều. Trong khi đó, mất mùa nên nhiều nông dân đã trắng tay, không còn chi phí cho bò ăn.

Đàn bò của ông Sơn chỉ ăn rơm cầm cự cho qua mùa khô hạn
Đàn bò của ông Sơn chỉ ăn rơm cầm cự cho qua mùa khô hạn

Hiện tại, giá bò ở địa phương cũng giảm từ 5 đến 7 triệu đồng/con so với mấy tháng trước. Theo đó, bò từ 5 đến 6 tháng tuổi giá từ 17 đến 18 triệu đồng/con đã giảm xuống chỉ còn khoảng 12 triệu đồng/con.

Nông dân vừa lo lắng thiếu rơm vừa lo thiếu nước cho bò
Nông dân vừa lo lắng thiếu rơm vừa lo thiếu nước cho bò

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tri cho biết: “Năm nay hạn hán, xâm nhập mặn làm hàng ngàn ha lúa ở địa phương mất trắng. Vì vậy việc thiếu rơm làm thức ăn cho bò là khó tránh khỏi. Hiện tại một số hộ mua rơm từ nơi khác chuyển về để cầm cự cho đàn bò ăn qua mùa khô”.

Minh Giang