Cả nhà sợ “Osin”
(Dân trí) - Con tôi giờ chỉ chịu ăn, ngủ theo đúng hiệu lệnh của người giúp việc. Tôi lỡ mắng “osin” nặng lời sẽ bị chồng nhắc nhở khá gay gắt vì chồng tôi sợ cô ấy…dỗi.
Hai vợ chồng chúng tôi cùng làm cán bộ viên chức Nhà nước, thu nhập đủ chi trả cho cuộc sống bình thường, chứ chưa dám mơ đến đời sống khá giả.
3 năm trước tôi sinh cháu đầu tiên. Lúc đó tôi còn nhận được sự trợ giúp của mẹ chồng và mẹ đẻ trong vài tháng. Mẹ đẻ thì già yếu nên sớm rút lui vì không thể thức đêm nhiều, cháu lại quấy khóc nên hầu như không được nghỉ ngơi. Mẹ chồng khỏe hơn, lại quý cháu nội nên cũng ở lại giúp đỡ con dâu, chăm cháu khoảng hai tháng nhưng rồi cũng lấy lý do phải chăm ông nội có bệnh ở nhà và “cáo biệt” về hậu phương.
Còn hai vợ chồng tôi phải tự xoay xở. Tôi sức yếu, chồng bận công việc nên nuôi con khá vất vả. Căng thẳng chuyện bỉm, sữa, sức khỏe của con...khiến tôi liên tục cáu bẳn với chồng. Chuyện tình cảm của hai vợ chồng cũng theo đó căng thẳng, lục đục.
Thời gian trôi, con tôi cứng cáp dần. Mọi việc cũng ổn định trở lại, tôi lại có bầu lần thứ hai. Lần này cả hai bên nội, ngoại đều khuyên vợ chồng tôi phải có tìm người giúp việc để chia sẻ việc gia đình, đỡ đần chuyện chăm con.
Quả thực, với đồng lương eo hẹp của hai vợ chồng, chuyện có thêm con lại thêm người giúp việc - tức là ngân sách chi của gia đình sẽ đội lên rất nhiều – khiến chúng tôi bối rối.
Bàn đi tính lại mãi, vợ chồng tôi cũng phải chọn phương án thuê người giúp việc. Chồng tôi sẽ nhận làm thêm, tăng cường thu nhập cùng với sự trợ giúp tài chinh của hai bên nội, ngoại.
Vấn đề ngân sách tạm ổn thỏa. Tưởng có tiền là xong, ai ngờ, việc tìm người giúp việc khá gian nan. Hai người giúp việc đã đến nhà thử việc, người đầu tiên khỏe mạnh, thật thà nhưng quá vụng về không thể nấu ăn, hay chăm cháu nhỏ.
Đến người giúp việc thứ hai, từ người quen chúng tôi giới thiệu. Người giúp việc này nhanh nhẹn, chuyên nghiệp hơn nhưng đòi ăn ngon, không ăn lại thức ăn bữa trước và có thú vui “buôn chuyện”. Chỉ trong 1 tuần làm việc ở nhà, người giúp việc này đã kịp thông tin mọi sinh hoạt, chuyện riêng tư trong gia đình đến tận đầu ngõ nhà tôi.
Cực chẳng đã, đành chào tạm biệt cô giúp việc “thạo tin”.
Đến người giúp việc thứ ba, qua Trung tâm giới thiệu, tôi có người giúp việc khá ưng ý. Chị này thuộc diện quá lứa, lỡ thì, không chồng con, ngoại hình khá xấu.
Người giúp việc mới tỏ ra khá nhanh nhẹn và thạo việc nhà. Chị nấu ăn được, chăm trẻ con khá chu đáo. Thằng bé con tôi thuộc diện lười ăn, không hiểu sao vào tay cô giúp việc bỗng ngoan ngoãn hẳn. Trước kia, việc cho con ăn là cả một hành trình gian khó của tôi, cháu quấy khóc, ngậm rất lâu. Giờ đến giờ ăn, cô giúp việc chỉ việc đặt ngồi ghế, bón cho ăn là cháu chấp hành răm rắp.
Đến khi đi ngủ cũng vậy, thằng bé chỉ chịu ngủ khi có hiệu lệnh của cô giúp việc. Thậm chí, sau một thơi gian, con tôi yêu xin ngủ với cô Thắm (tên cô giúp việc) chứ không thích ngủ với bố mẹ. Vợ, chồng tôi lúc đầu hơi sốc, nhưng cũng đành chấp thuận, giờ đã quen nên cũng lấy làm mừng, vì hai vợ chồng không phải dành nhiều thời gian chăm con nên tình cảm với nhau hơn.
Thấm thoát đến ngày tôi sinh nở. Nhờ có cô giúp việc đảm, tôi đỡ vất vả hơn lần sinh trước. Chồng tôi không phải thức đêm nhiều để phục vụ vợ đẻ và con nhỏ nên cũng phấn khởi ra mặt.
Cũng vì động lực phải kiếm tiền trả lương cho người giúp việc nên chồng tôi lăn lộn đi làm thêm, kiếm được hợp đồng khá, thu nhập tăng trông thấy.
Vợ chồng tôi quý cô ra mặt, thậm chí khi rảnh rỗi còn trò chuyện, giúp cô Thắm làm việc nhà. Khổ nỗi, cô giúp việc sau thời gian làm việc quen, đã hiểu vị trí của mình trong gia đình bắt đầu đặt ra ưu sách: Đề nghị tăng lương, thỉnh thoảng nghỉ vài ngày về quê chơi, không thức đêm quá khuya, không ăn thịt lợn vì sợ béo.
Quả thực, những ngày chị giúp việc nghỉ, cuộc sống gia đình tôi đảo lộn theo. Con khóc, tối đòi ngủ với cô Thắm, việc nhà chất đống. Chồng tôi đã quen việc đi làm về chỉ việc nghỉ ngơi giờ phải phụ vợ làm việc nhà hoặc chăm con tỏ ra không thoải mái và liên tục hỏi đến người giúp việc, chê tôi làm việc chậm, nấu ăn không ngon bằng cô Thắm. Thằng bé con tôi cũng vậy, cứ mếu máo hoặc cáu kỉnh khi mẹ cho ăn.
Tôi thấy vai trò nội tướng, vai trò làm mẹ của mình đang có dấu hiệu lu mờ nên cũng suy nghĩ nhiều. Nhưng sự thật là một mình phải xoay xở việc nhà và chăm hai đứa con nhỏ rất vất vả.
Giờ đây, trong gia đình, cô Thắm đóng vai trò rất quan trọng. Con tôi giờ chỉ chịu ăn, ngủ theo đúng hiệu lệnh của cô Thắm. Tôi lỡ mắng cô giúp việc nặng lời sẽ bị chồng nhắc nhở khá gay gắt vì chồng tôi sợ cô ấy…dỗi.
Càng ngày tôi càng thấy tình cảm của chồng, con dành cho mình ít hơn, tôi có người giúp việc tuy nhàn thân nhưng bỗng thấy bất an. Vài tháng nữa, khi tôi đi làm trở lại, việc nhà việc nuôi dạy con phải phụ thuộc rất nhiều vào người giúp việc. Vị trí của tôi trong gia đình sẽ đến đâu. Tôi phải làm gì bây giờ?
Hà Anh (Hà Nội
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn bằng cách bình luận ngay dưới bài này hoặc gửi ý kiến về hòm thư doisong@dantri.com.vn