15 tuổi người ta làm được gì?

(Dân trí) - Tôi rất “dị ứng” với các ông bố bà mẹ nuôi con như trong “lồng kính”, lúc nào cũng sợ con va vấp, sợ con trở thành nạn nhân trước những cám dỗ, sợ con ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Những “cậu ấm cô chiêu” 15 tuổi mà chưa từng đụng tay vào chiếc chổi quét nhà, chưa từng giặt cho mình bộ quần áo...

- “Anh nhất định phải cho cháu đi du học để cháu nên người!”. Ông anh xã hội nói như đinh đóng cột với tôi. Thằng bé 15 tuổi rụt rè không dám nói gì, ngồi 1 góc.

- Anh có biết trình độ tiếng của cháu có đủ không? Anh có chắc cháu có thể tự đi chợ và nấu ăn một mình? Có thể chịu được sự cô đơn khi xa nhà? Tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống? tự quản lý tài chính nơi đất khách?

- Anh tưởng có nhà trường có nhà đỡ đầu rồi?

- Tự lập để trưởng thành là một quá trình phải học ông anh của tôi ạ!

Không phải tự nhiên mà một đứa trẻ lớn lên trong một môi trường không được thiết kế để hướng tới sự tự lập có thể tự lập được anh ạ. 15 tuổi nếu không có thói quen xếp hàng ăn cơm, tự quản lý ngân sách ăn uống, giải trí; không có thói quen dùng máy giặt công cộng hoặc được sắp xếp thời gian quản lý việc vệ sinh phòng của mình thì khó có thể tự lập được và tự đi ra nước ngoài được. Hơn nữa, em cũng nói với anh rằng “tị nạn giáo dục” không phải lúc nào cũng tốt cho các cháu. Nhất là các cháu ở ngưỡng tuổi mới lớn.

Em đã gặp những “đứa trẻ” 16 tuổi đứng khóc ở sân bay vì không biết check in thế nào. Nếu không được đi du lịch thường xuyên hay tập luyện tự xử lý vấn đề thì sẽ không thể xoay xở trong những tình huống bất thường. Học sinh giỏi bây giờ không phải chỉ là chuyện điểm số cao mà quan trọnglà kỹ năng sống, khả năng xoay xở trước các vấn đề gặp phải. Ở bên bố mẹ là tốt. Rời xa bố mẹ cũng không tệ nếu anh chị vẫn có cơ hội kèm cặp và đồng hành cùng con. Giống nhưmột cậu sinh viên mới vào kí túc xá, dù có ngỡ ngàng nhưng cũng sớm hòa nhập dược vào cuộc sống sinh viên. Bởi đó là một môi trường các bạn ấy quen thuộc về ngôn ngữ và văn hóa. Sợi dây bảo hiểm gắn với gia đình phải được cắt bỏ từ từ. Đi trong cuộc đời đôi khi cũng giống như làm xiếc trên dây. Anh tập mãi, tập mãi đến khi dây bảo hiểm được bỏ ra mà vẫn không biết không sợ và bước đến thành công.

Tôi rất “dị ứng” với các ông bố bà mẹ nuôi con như trong “lồng kính”, lúc nào cũng sợ con va vấp, sợ con trở thành nạn nhân trước những cám dỗ, sợ con ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Những “cậu ấm cô chiêu” 15 tuổi mà chưa từng đụng tay vào chiếc chổi quét nhà, chưa từng giặt cho mình bộ quần áo. Nhiều ông bố bà mẹ “thở than” tại sao con người ta làm được cái này cái kia, còn con mình bữa cơm cũng không nấu nổi. Yêu con, lo lắng cho con không xấu, không sai. Nhưng mà như thế khổ lắm, khổ cho chính bố mẹ vì suốt ngày phải “sợ”, phải “than”, khổ cho chính đứa con vì mãi không bao giờ lớn.

Nếu anh thực sự muốn cháu trưởng thành, hãy thử“nhúng”cháu vào một môi trường khác. Cho cháu đi các trại hè, tham gia các lớp kỹ năng sống hoặc cho đi học nội trú. Một đứa trẻ học cấp 1 không được khuyến khích phát biểu, cấp 2 không được khuyến khích tranh luận, cấp 3 không được khuyến khích học theo hướng ứng dụng và định hướng nghề nghiệp cụ thể thì làm sao có thể có một sinh viên đại học chững chạc và một con người có bản lĩnh sau này. Yêu con mà giữ con khư khư bên mình thì khác nào hại con. Thói quen tự phục vụ, tự lập sẽ từ đâu mà có nếu không phải là tập luyện và 15 tuổi là một thời điểm vô cùng quan trọng.


Hãy thả các con ra để có thể tự lập và trưởng thành nhưng đừng thả cánh diều bay xa quá với một sợi chỉ mong manh... (Ảnh minh hoạ)

Hãy thả các con ra để có thể tự lập và trưởng thành nhưng đừng thả cánh diều bay xa quá với một sợi chỉ mong manh... (Ảnh minh hoạ)

Vậy 15 tuổi người ta có thể làm gì?

Warren Buffet đã tự học kinh doanh được cả chục năm. Donald Trump đã biết mình sẽ kinh doanh. Adam Khoo đã khởi nghiệp kinh doanh ở tuổi 15. Tỷ phú Richard Branson liên kết kinh doanh vào tuổi 16. Họ là những người có biệt tài nhưng không phải ai cũng thế. Không phải ai đi du học cũng thành công, nhất là ở lúc tuổi quá trẻ. Hãy thả các con ra để có thể tự lập và trưởng thành nhưng đừng thả cánh diều bay xa quá với một sợi chỉ mong manh.

15 tuổi nhiều đứa trẻ vẫn không thể tự đi máy bay, không từng làm việc nhà vì mọi việc đã có người giúp việc trong khi đó lại học quá nhiều kiến thức hàn lâm mà không học nhiều về kỹ năng sống. Giáo sư Văn Như Cương gần đây đã nêu lên ý kiến : “Ô sin và gia sư, hai thứ góp phần làm hỏng con cái. Gia sư học thay trẻ con. Ô sin làm hết việc của trẻ. Vô hình chung, trẻ con thành phố bị “cướp” đi quyền lợi và nghĩa vụ học tập, lao động để phát triển trí tuệ cũng như thế chất bình thường của mình.”

15 tuổi nhiều đứa trẻ phát triển nhanh vì “được” thoát khỏi sự chăm sóc của bố mẹ; “được” tự làm bài và đối mặt với các vấn đề cần giải quyết; nhiều đứa trẻ trở thành vận động viên bơi hay đá bóng với tố chất chuyên nghiệp khi tập trung vào các môn này thay vì chôn ì người bên bàn học; nhiều đứa trẻ tập (chứ không phải học) chế ngự được những nỗi sợ vô hình. Ở tuổi vị thành niên, người ta thường học được nhiều từ bạn bè hơn nhà trường hay bố mẹ. Sống với người khác là một kỹ năng cần phải được rèn luyện. Tạm thời rời bỏ môi trường quá an toàn của gia đình để bước vào một “cánh rừng nguyên sinh” có kiểm soát nhiều khi là một sự lựa chọn tốt.

15 tuổi có thể là một bước đi lên nhưng cũng có thể là một bước chân tụt xuống hố. Là cha mẹ, xin đừng vì quá yêu con mà làm hại con.

15 tuổi người ta muốn được trưởng thành. Hãy cho con tự lập để trưởng thành.

Nguyễn Đình Thành

Chuyên gia truyền thông