Văn bản lỗi

Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần xem xét các yếu tố thực tiễn khách quan cũng như phát huy tầm nhìn, đổi mới, sáng tạo, kế thừa và rút kinh nghiệm để hạn chế những văn bản quy phạm trái pháp luật được ban hành.


Ảnh minh họa - CPV

Ảnh minh họa - CPV

Theo Bộ Tư pháp, chỉ tính trong năm 2017 đã phát hiện hơn 1.000 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành... Nhận diện bản chất các sai sót văn bản quy phạm pháp luật mới thấy thực sự lo ngại. Đó là tình trạng thiếu sự liên kết, thiếu rõ ràng hoặc chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật và có sự vênh nhau giữa các bộ, ngành. Nói cách khác ngành nào cũng muốn thể hiện tốt nhất những gì liên quan đến ngành mình, nhiều văn bản thể hiện những quyết định mang tính tức thì, ngắn hạn nhằm giải quyết những hiện tượng, sự vụ trước mắt, thiếu tầm nhìn dài hạn.

Điều đáng lưu tâm là sự vênh nhau giữa các văn bản quy phạm không phải là hiếm, đơn cử như lĩnh vực giao thông: Quy chuẩn 41:2016/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (Quy chuẩn 41) - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ- được ban hành và chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-11-2016. Tuy nhiên, một số quy định tại Quy chuẩn 41 lại “vênh” với quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ đã dẫn đến hiểu lầm cho người tham gia giao thông, gây tình trạng “khó xử” cho lực lượng CSGT. Hay mới đây, dư luận xôn xao việc Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định ghi tên sổ đỏ tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, ngay sau đó Bộ này đã chính thức lên tiếng rút kinh nghiệm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để không gây khó hiểu cho người dân

Trong thực tế, mọi quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật, cái này phải chịu sự điều chỉnh của cái kia..., càng đẻ ra nhiều quy định thì càng thêm rối rắm chứ chưa chắc đã là chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Nhưng khi đã có quy định thì người ta sẽ đòi hỏi phải có đủ các loại thủ tục, yêu cầu liên quan…gây khó và lúng túng trong thực thi cũng như gây phiền hà trong giao dịch của người dân. Có khi chỉ đơn giản là cách hiểu chưa đúng do vênh giữa các các văn bản quy phạm hoặc lỗi kỹ thuật trình bày trong văn bản quy phạm của cơ quan chức năng mà thôi.

Thực tiễn cuộc sống đang thôi thúc việc cắt giảm thủ tục hành chính, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, loại bỏ các văn bản quy phạm không còn phù hợp là đòi hỏi tất yếu khách quan. Việc khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm mới theo hướng cải cách thủ tục hành chính từ các cơ quan chức năng nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần xem xét các yếu tố thực tiễn khách quan, tính liên thông giữa các Bộ, ngành.., tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như phát huy tầm nhìn, đổi mới, sáng tạo, kế thừa và rút kinh nghiệm để hạn chế những văn bản quy phạm trái pháp luật được ban hành như Bộ Tư pháp đã đề cập.

Việc tạo ra cái mới để thay thế cái cũ, cái mới phải phù hợp hơn cái cũ nhằm đáp ứng kịp thời những đòi hỏi về sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, như vậy hệ thống văn bản quy phạm mới phát huy hiệu quả. Xã hội sẽ tốn kém nhiều công - của và sự phiền toái bởi những văn bản quy phạm trái luật, văn bản lỗi hoặc chưa rõ ràng gây khó khăn cho người dân..../.

Theo Khắc Trường

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam