Tại sao Hà Nội không dập được dịch sốt xuất huyết?

Đó là câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi làm việc với ngành y tế Hà Nội. Bộ trưởng không sốt ruột sao được khi Hà Nội – trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ, đầy đủ nhất nước nhưng lại để dịch sốt xuất huyết ngày càng có xu hướng tăng.


 Diễn biến dịch căng thẳng trong cả nước, đặc biệt tại Hà Nội với số mắc tăng cao, hơn 13 nghìn ca mắc và 7 trường hợp tử vong.

Diễn biến dịch căng thẳng trong cả nước, đặc biệt tại Hà Nội với số mắc tăng cao, hơn 13 nghìn ca mắc và 7 trường hợp tử vong.

Chiều tối ngày 10.8, Bộ Y tế họp khẩn về phòng chống SXH, đặc biệt tình hình nghiêm trọng ở thủ đô. Đến nay, ít người ngờ rằng, dịch SXH lại có thể ngày càng trầm trọng. Hiện, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn. Lý do, hàng nghìn người khám trong một ngày chỉ riêng với bệnh SXH.

Do đó, theo Dân trí, không phải ngẫu nhiên bà bộ trưởng đưa ra một loạt câu hỏi nóng bỏng trong buổi họp này: Tại sao quyết liệt mà vẫn nhiều người mắc bệnh; Vì sao áp dụng hết các bài rồi mà không dập được dịch? Số lượng mắc bệnh không khống chế được? Tại sao nỗ lực nhiều nhưng không giải quyết được? Để giảm số mắc và khống chế tối đa tử vong, phải làm thế nào?...

Những thông tin mà Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đưa ra khiến dư luận không khỏi lo lắng: Gần đây số ca bệnh vẫn tăng, tuần sau lại cao hơn tuần trước, chưa có dấu hiệu giảm. Tổng số ca mắc là 13.275 trường hợp, trong đó tử vong 7.

Thông tin thẳng thắn đó là cần thiết với những người trong cuộc, với người dân, nhưng giải pháp nào để ngăn chặn lại còn quan trọng hơn rất nhiều. Liệu ông Đức Hạnh cho rằng, các biện pháp làm rất đầy đủ, đã kiểm tra, phối hợp với các ban ngành đầy đủ nhưng số bệnh nhân vẫn gia tăng liệu có thuyết phục?

Về nguyên nhân, theo ông Hạnh có 2 vấn đề nổi lên: vấn đề di cư, di dân, mật độ dân số cao và phát hiện thêm các typ lưu hành ở Hà Nội. Giải pháp: tập trung diệt muỗi và bọ gậy. Đồng thời ông Hạnh cũng nêu những cách làm việc, trong đó có 25/30 quận thành lập các đội xung kích diệt muỗi, diệt bọ gậy; chọn những người có sức khỏe, có trách nhiệm phụ trách 30 -50 hộ gia đình… Ông Hạnh khẳng định: “Đội giám sát, cán bộ y tế có chuyên môn, cán bộ dân phố. Tập trung làm rất cẩn thận và nghiêm túc". Nếu đã “rất cẩn thận và nghiêm túc” mà số bệnh nhân vẫn tăng từng tuần, chưa có dấu hiệu thuyên giảm thì thật nguy. Vậy, những giải pháp ông Hạnh nêu dù đã đúng, nhưng liệu đã đủ? Và liệu những con số những đội, những con người phụ trách có đảm bảo yêu cầu về chất lượng và có thật “nghiêm túc” như ông Hạnh nói? Bởi, theo TTO, ông Hạnh thừa nhận, các đội xung kích luôn phát hiện các dụng cụ chứa nước có bọ gậy nhưng không bao giờ đi hết được. Chưa kể khu xen kẹt thường bị bỏ qua.

Việc “khu xen kẹt thường bị bỏ qua” , sao vẫn có thể nói là nghiêm túc được? Bởi, chính những khu xen kẹt thường là những nơi nhếch nhác nhất, nơi nhiều ổ muỗi, bọ gậy nhất mà lại bị bỏ qua thì … thôi rồi. Tất nhiên, những khó khăn về nhân lực, sự đồng bộ của cả hệ thống là cần thiết để dập dịch. Nhưng, ngành y tế vẫn phải là mũi chủ công, là lực lượng đề xuất, tham mưu và thực hiện các giải pháp. Vậy nên, việc ông Hạnh cho rằng, đã “phối hợp với các ban, ngành đầy đủ” liệu có chuẩn, đã đúng mức độ với dịch SXH đang hoành hoành hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói thẳng: Hà Nội làm chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Quyết liệt hơn, bà Bộ trưởng cho rằng, Hà Nội chỉ có 2 xe phun thuộc ngoài đường là quá ít. Tôi đề nghị phải tăng 20 xe và máy phun. Còn với BV Nhiệt đới Trung ương, do quá nhiều bệnh nhân SXH, nên 280 nhân viên y tế mà phải bơi ra với 600 giường bệnh, bà Tiến thốt lên: “không thể tưởng tượng nổi”. Bà tiến yêu cầu Giám đốc BV gửi thẳng đề xuất tới Bộ trưởng yêu cầu cho tuyển thêm nhân sự. Nhưng, không chỉ Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2016, số mắc SXH tăng 33,5 % và số tử vong tăng 5 trường hợp. Trong đó, Hà Nội vẫn là nơi diễn biến bệnh SXH nóng bỏng nhất.

Dư luận hy vọng rằng, ngày 10.8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đích thân thị sát, nắm tình hình, chỉ đạo cụ thể, thì chiến dịch chống dịch SXH sẽ khả quan hơn. Bí thư thành ủy nêu rõ phương châm: “Chống SXH phải đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng.”

Vương Hà

Nguồn : http://dantri.com.vn/suc-khoe/80-ngan-ca-mac-sot-xuat-huyet-y-te-nong-ma-dan-van-lanh-20170810223758617.htm

· http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170811/80555-ca-sot-xuat-huyet-tien-khong-thieu-dich-van-tang/1367320.html SỨC KHỎE

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm