Bạn đọc viết
Sao cứ phải "ngăn sông cấm chợ"?
Theo phản ánh của phóng viên, với lí do bảo vệ thương hiệu mật ong hoa bạc hà Hà Giang, hàng loạt văn bản chỉ đạo từ tỉnh đến xã được ban hành, cấm người ngoại tỉnh đến địa bàn Hà Giang nuôi ong, cấm đăng kí tạm trú tại địa phương đối với chủ ong, cấm người dân cho chủ ong thuê đất.
Ba mươi năm trước, tư duy đổi mới sau đại hội Đảng lần tứ 6 đã khai tử việc "ngăn sông cấm chợ", nhờ đó nền kinh tế của đất nước được cởi trói, phát triển và ngày càng hội nhập sâu vào khu vực và thế giới. Vậy mà cái tư duy đi ngược với xu thế thời đại đó lại đang có nguy cơ hồi phục trong vài năm gần đây.
Giữa tháng 9/2016, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội công bố dự thảo đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội”.
Đề án đưa ra lộ trình từ nay đến 2021 hạn chế tiến dần đến cấm đối với xe máy ngoại tỉnh lưu thông trên địa bàn Hà Nội.
Ngay lập tức, đề án này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận cũng như của các nhà khoa học, các nhà quản lí, các tổ chức nghề nghiệp bởi một lẽ đơn giản: Hà Nội là thủ đô cả nước không có quyền cấm xe máy ngoại tỉnh.
Rồi thì mấy ngày qua, dư luận lại nóng lên khi chương trình Chuyển động VTV24h Truyền hình Việt Nam liên tục phát các phóng sự về chuyện có một không hai: Hà Giang cấm người ngoại tỉnh đến địa phương này nuôi ong.
Một lần nữa, tỉnh địa đầu tổ quốc lại thêm một sự kiện "hot": Theo phản ánh của phóng viên, với lí do bảo vệ thương hiệu mật ong hoa bạc hà Hà Giang, hàng loạt văn bản chỉ đạo từ tỉnh đến xã được ban hành, cấm người ngoại tỉnh đến địa bàn Hà Giang nuôi ong, cấm đăng kí tạm trú tại địa phương đối với chủ ong, cấm người dân cho chủ ong thuê đất.
Trả lời báo chí, ông Hạng Dương Thành, phó chủ tịch huyện Quản Bạ khẳng định huyện không chỉ đạo việc không đăng kí tạm trú tạm vắng, không chỉ đạo công an xã không đăng kí hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú tạm vắng cho các tổ chức cá nhân đưa ong đến nuôi tại địa bàn.
Thật khó hiểu, chính quyền ra văn bản chỉ đạo cấp dưới cấm cản người nuôi ong ngoại tỉnh nhưng lại phủi tay từ chối trách nhiệm. Các chủ ong bị gây khó dễ, thậm chí bị các đối tượng xấu đập phá, hủy hoại đồ nghề nhưng chính quyền địa phương vẫn làm ngơ. Họ bị trục xuất khỏi địa bàn…
Cách hành xử của chính quyền địa phương khiến những người nuôi ong ngoại tỉnh bức xúc. Chả lẽ vì bảo vệ một thương hiệu của địa phương mà lại "ngăn sông cấm chợ ư?
Nguyễn Duy Xuân