Bạn đọc viết

Nghĩ về tuổi trẻ, tài năng và sự minh bạch trong tuyển dụng

Thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của Bộ Nội vụ để đánh giá một cách khách quan vấn đề này nhằm định hướng đúng cho dư luận.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Xã hội muốn phát triển, trong rất nhiều yếu tố có một điều hết sức quan trọng, đó là trọng dụng hiền tài.

Thời phong kiến, các đấng minh quân đều quan tâm đến việc chiêu hiền đãi sĩ, nhờ thế mà xã hội phát triển, đất nước thịnh trị.

Xã hội ta ngày nay cũng thế, luôn rộng cửa đối với người tài. Tài năng, nhất là đối với lớp trẻ, được Đảng và nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Bằng chứng là trong những năm gần đây, không ít thanh niên ở độ tuổi trên dưới 30 được giao đảm nhận những trọng trách trong các cơ quan ở địa phương và trung ương, có người còn được bầu vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Gần đây nhất là việc ông Lê Phước Hoài Bảo, con trai Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh khi vừa tròn 30 tuổi.

Đó là một sự đột phá trong khâu tổ chức cán bộ nhằm chấm dứt tình trạng sống lâu lên lão làng, tạo điều kiện cho người trẻ thi thố tài năng phụng sự tổ quốc, được dư luận hoanh nghênh.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là phải chọn được người hiền tài thực sự, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chủ trương này để đưa những kẻ bất tài nhưng lại thuộc diện “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” lên làm lãnh đạo.

Có lẽ vì lo ngại có sự biến tướng đó cho nên dư luận không khỏi băn khoăn về tính minh bạch, sòng phẳng của việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo vừa qua.

Băn khoăn bởi ông là con quan đầu tỉnh, lại thăng tiến quá nhanh và xét về tiêu chuẩn cán bộ hiện hành thì ông chưa hội đủ như qui định.

Trong vô vàn ý kiến băn khoăn, phản bác của dư luận, cũng có những tiếng nói đồng tình, cổ vũ. Có nhà sử học so sánh: "Trong xu thế hiện nay thì cán bộ càng trẻ thì càng tốt. Thực tế, xem lại lịch sử của chúng ta sẽ thấy, khi Đảng mới thành lập, lãnh đạo lúc đó rất trẻ và khi thành lập nước thì có Bộ trưởng chỉ ngoài 30 tuổi”.

Tôi đồng ý với nhà sử học: Cán bộ càng trẻ thì càng tốt. Bởi sức trẻ thì bao giờ cũng năng động nhạy bén hơn sức già. Nhưng so sánh cán bộ trẻ hôm nay với thời các cụ đi làm cách mạng giải phóng dân tộc thì e khập khiễng quá.

Nước độc lập đã 70 năm, hoàn cảnh lịch sử xã hội bây giờ đã đổi khác, mọi chuyện đều phải theo chuẩn mực phù hợp với thời đại. Cán bộ lãnh đạo cũng vậy, dù có trẻ hóa nhưng phải thực tài, cái tài được đo bằng hiệu quả làm việc cho dân cho nước.

Nhà sử học còn nêu ý kiến: “Tại sao chúng ta lại tự kéo lùi mình lại và nếu nhìn vào thế giới thì sẽ thấy, người trẻ họ trưởng thành rất nhanh". Đồng ý là “người trẻ họ trưởng thành rất nhanh”, nhưng trưởng thành nhanh khác với thăng tiến nhanh. Trong trường hợp ông Bảo, không thể nói ông trưởng thành nhanh được, bởi thời gian ông giữ các chức vụ chưa đủ để kiểm chứng qua việc làm cụ thể. Chỉ có thể nói ông thăng tiến nhanh vì ghế này ngồi chưa ấm chỗ thì ông đã nhảy lên ghế khác.

Vấn đề ở đây là không nên tách việc bổ nhiệm ông Bảo ở tuổi ba mươi ra để tán đồng về sự bứt phá của địa phương mà phải đặt nó trong quá trình thăng tiến của ông Bảo và bệ phóng nào đã giúp ông nhanh chóng ngồi vào ghế lãnh đạo sở chỉ sau 3 năm công tác.

Nếu xét theo quan điểm đó thì có thể thấy những điểm bất hợp lí về việc bổ nhiệm ông Bảo mà dư luận và báo chí đã chỉ ra:

Một là, tài năng của ông Bảo chưa được kiểm chứng qua thực thế đảm nhận chức trách nhiệm vụ được giao bởi 3 năm làm công chức nhà nước ông nhảy hết từ ghế nọ sang ghế kia. Cái tài bộc lộ ở hiệu quả làm việc đem lại lợi ích cho dân cho nước chứ không phải đo bằng tốc độ leo thang như trò chơi giải trí trên truyền hình hay là thú chơi chim như báo chí đã nêu.

Hai là, ông được bổ nhiệm cấp tập trong một thời gian ngắn chứng tỏ việc bổ nhiệm ông không phải vì năng lực chuyên môn.

Ba là, người ta đã phớt lờ những tiêu chuẩn cứng đã được nhà nước qui định mà ông Bảo không thể có được, như đạt chuyên viên chính, tốt nghiệp cao cấp lí luận chính trị, tốt nghiệp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính, có 5 năm công tác trong ngành trong đó ít nhất 3 năm làm công tác quản lí chuyên môn chuyên ngành được giao. Mọi sự giải thích của lãnh đạo địa phương về việc ông Bảo chưa đạt các tiêu chuẩn nói trên chỉ là để biện minh cho việc đã rồi mà thôi.

Bốn là, hầu hết các quyết định bổ nhiệm ông Bảo đều do bố ông, đương nhiệm Chủ tịch tỉnh, sau này là Bí thư tỉnh ủy quyết. Cái qui trình được cho là đảm bảo nghiêm ngặt, rồi thì tập thể thường vụ bỏ phiếu kín trăm phần trăm ấy khiến dư luận khó tin ở tính minh bạch, sòng phẳng của vấn đề.

Vậy nên tôi cho rằng không thể nhìn nhận việc bổ nhiệm ông Bảo chỉ ở góc độ tuổi tác để khẳng định tính ưu việt của quyết định này đối với yêu cầu trẻ hóa cán bộ hiện nay. Thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của Bộ Nội vụ để đánh giá một cách khách quan vấn đề này nhằm định hướng đúng cho dư luận.

Nguyễn Duy Xuân