Bạn đọc viết

Nghĩ về quan điểm giáo dục của Tân bộ trưởng

Giáo dục luôn là vấn đề nóng và cũng luôn được cả xã hội kỳ vọng vào những đổi thay. Do đó, không có gì lạ, những phát biểu với báo chí của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ được báo chí đề cập, khai thác nhiều nhất trong số các thành viên Chính phủ.

Minh họa: Ngọc diệp
Minh họa: Ngọc diệp

Học để làm việc, học để sống với nhau

Mục tiêu của bậc đại học tới đây được tân bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ định hướng: “ chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.” Còn mục tiêu chung của giáo dục được ông Nhạ chia sẻ: “Giáo dục phải tạo được môi trường tốt để mọi người học tập suốt đời theo triết lý học để biết, học để làm việc, học để sống với nhau”

Cần phải tạo được động lực cho thầy/cô

Giáo dục luôn là vấn đề nóng và cũng luôn được cả xã hội kỳ vọng vào những đổi thay. Do đó, không có gì lạ, những phát biểu với báo chí của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ được báo chí đề cập, khai thác nhiều nhất trong số các thành viên Chính phủ.

Trả lời phỏng vấn trên báo Vnexprees tuy không dài, nhưng những định hướng, kế hoạch của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là khá rõ.

Thứ nhất, nếu trong vòng mấy chục năm qua chúng ta đã thấy Bộ GD&ĐT không biết bao lần thay đổi chương trình sách giáo khoa (SGK) và tiêu tốn khá nhiều tiền nhưng kết quả vẫn không được như ý. Do đó, không phải ngẫu nhiên khi phóng viên đặt câu hỏi: “Vậy ông đặt vài trò của SGK ở đâu?”, ông trả lời rất rõ: “Theo tôi, sách chỉ là một trong những học liệu quan trọng chứ không phải mục tiêu của giáo dục.” Đồng thời ông cũng đưa ra quan điểm: “Cần phải tạo được động lực cho thầy/cô và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục,…tạo được môi trường sư phạm thật sự trong các trường và lan tỏa ra xã hội.”

Thứ hai, hiện dù rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vẫn không thể kiếm đủ nhân lực đạt yêu cầu. Vì vậy, mục tiêu của bậc đại học tới đây được ông Nhạ định hướng: “ chất lượng và sản phẩm đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.” Còn mục tiêu chung của giáo dục được ông Nhạ chia xẻ: “Mục tiêu của giáo dục là tạo nên những con người thực sự nhân văn, giáo dục phải tạo được môi trường tốt để mọi người học tập suốt đời theo triết lý học để biết, học để làm việc, học để sống với nhau, và học để làm người.”

Và cuối cùng, để thực hiện được những mục tiêu đó, ông Nhạ hứa rằng“ tôi quan sát, lắng nghe thấu nguyện vọng của người dân sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng, có tính quyết định đến thành công của giáo dục.”

Giáo viên phải là khâu then chốt của đổi mới giáo dục

Những quan điểm của tân bộ trưởng Bộ GD được nhiều cựu lãnh đạo Bộ giáo dục, các thày cô và các chuyên gia ủng hộ.

Trong bài “Kỳ vọng gì ở Bộ trưởng Giáo dục mới?” trên Vietnamnet, PGS Nghiêm Đình Vì - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của tân bộ trưởng. Từng gắn với nghề sư phạm nhiều năm, ông Vì đã hoan nghênh tinh thần lấy con người là gốc của tân bộ trưởng. Và ông cũng đề xuất một cách cụ thể: “Trước mắt, cần củng cố đội ngũ giáo viên phổ thông. Các trường sư phạm phải xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp định hướng đổi mới của giáo dục, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên hiện nay theo định hướng mới.” Cũng rất thiết thực, ông Vì đề nghị “ muốn có những bài giảng chất lượng thì đời sống giáo viên phải không lo lắng nhiều về kinh tế.”Ai cũng thấy, đó là điều rất cần thiết, nhưng giải bài toán này không đơn giản và đòi hỏi quyết tâm rất cao của Chính phủ.

Đồng quan điểm với ông Vì, PGS Trần Hữu Tá (Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM) cho rằng: “ Muốn tổ chức cấu trúc giáo dục tốt phải có lực lượng là giáo viên. Nhưng khâu chuẩn bị cho giáo viên, cụ thể là một lực lượng giáo viên tốt thì đổi mới chưa rõ ràng.” Còn quan điểm về SGK, PGS Tá ủng hộ tuyệt đối: “Các quan điểm của tân Bộ trưởng rất đúng đắn. Nếu chỉ nghĩ chăm chăm về giải pháp "sách giáo khoa" cũng không ổn.”

Là những người đang đứng trên bục giảng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, Hà Nội Nguyễn Thị Nhiếp tỏ rõ quan điểm: “ Tôi ấn tượng nhất phát ngôn của ông tập trung vào chuyện con người và đào tạo giáo viên phải là khâu then chốt của đổi mới giáo dục. Muốn làm được vậy thì người quản lí phải thay đổi trước tiên.Bà Nhiếp cũng đánh giá một trong những nguyên nhân còn yếu của ngành giáo dục: “Hãy nhìn hiện nay, bộ dù có nhiều văn bản hay nhưng cấp dưới lại không thực hiện như vậy dù báo cáo lên đều tốt cả. Tôi mong mỏi người đứng đầu ngành thổi được luồng gió mới, tư tưởng của mình đến tất cả đề mọi người cùng thực hiện.

Cũng đề tài về giáo viên, anh Káp Thành Long (một du học sinh đang học ngành Truyền thông quốc tế ở ĐHMelbourne, Australia): cho rằng: Bây giờ ngành sư phạm ở Việt Nam đang khó tuyển người tài vì lương giáo viên thấp quá, và họ cũng thiếu những hỗ trợ cần thiết. Mặt khác, anh Long cũng hy vọng, tân bộ trưởng từng học ở Anh và Mỹ, tân bộ trưởng sẽ áp dụng những chính sách tiến bộ về giáo dục của các nước này vào đổi mới nền giáo dục nước nhà.Trong đó, “việc tuyển sinh sẽ đơn giản, công bằng và ổn định hơn thay vì liên tục thay đổi như những năm qua.” Và anh Long tin rằng: “Vẫn biết nói thì dễ nhưng làm mới khó, tin rằng tân bộ trưởng sẽ là con người hành động.”

Tiếng Anh là môn học bắt buộc ở 3 cấp học?

Trao đổi trên Zing News, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội, mong “bộ trưởng có sự hỗ trợ các trường đại học xây dựng được cơ chế tự chủ gắn liền cơ chế tài chính, cải cách hệ thống phân bổ kinh phí theo ngân sách nhà nước với giáo dục đại học.” Còn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT “ mong muốn, ở nhiệm kỳ Bộ trưởng mới, giáo dục đại học phải tiếp cận quốc tế. Trong đó, Việt Nam có thể học tập chương trình các nước để tiết kiệm về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật.”

Về vấn đề thi tốt nghiệp THPT, thi đại học vẫn đang là vấn đề nóng dư luận hiện nay, ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng “thi tốt nghiệp phải trả lại cho địa phương, vì họ là những nơi trực tiếp đào tạo học sinh trong suốt 12 năm.Còn thi đại học, cao đẳng là chuyện của các trường, cần giao quyền tự chủ cho trường.”

Còn TS Lương Hoài Nam, một doanh nhân rất tâm huyết khi gửi tới tân Bộ trưởng 6 đề xuất.Trong đó có đề xuất khá mới và mạnh dạn ở Việt Nam. Đó là, quy định tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc ở cả 3 cấp học, từ THPT dạy một số môn tự nhiên và xã hội trực tiếp bằng tiếng Anh.Từ THCS, học sinh được phép học thêm ngoại ngữ 2 theo nguyện vọng cá nhân.Có lẽ, ông Nam là người ngay từ khi vào đại học cho đến khi đi làm phải tiếp xúc nhiều với đối tác nước ngoài nên ông hiểu rõ của vai trò ngoại ngữ với công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay của chúng ta.Đề xuất này chắc chắn sẽ có nhiều tranh cãi, nhưng nếu được thực thi, đây không chỉ là đột phá trong giáo dục mà nó sẽ là cánh cửa để Việt Nam hoà mình vào dòng chảy tri thức toàn cầu.

Vương Hà