Bạn đọc viết
Nghĩ về người đại biểu của dân
Mỗi đại biểu cần đứng vững trước dòng chảy của nền kinh tế thị trường, thời buổi mà chủ nghĩa thực dụng lên ngôi và hiểu rõ bản chất của cơ chế thị trường, của việc tự do hoá cạnh tranh
Công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhìn chung đã thành công. Tuy nhiên, dưới cách nghĩ, cách nhìn của rất nhiều thành phần, tầng lớp xã hội thì đó mới chỉ được một nửa chặng đường của một quá trình. Đơn giản một điều là sự khác nhau và khoảng cách giữa lời nói và hành động chưa bao giờ gần cả. Nói vậy, bởi chúng ta có thể hiểu:
Đất nước đang trong quá trình hội nhập và và mở cửa, trong đó chúng ta đang thực hiện theo khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và WTO. Trong bối cảnh nền kinh tế có rất nhiều thách thức, trong đó trình độ kinh doanh của các doanh nghiệp Việt còn thấp, thị phần càng ngày bị thu hẹp các sản phẩm công nghiệp lẫn nông nghiệp của chúng ta đang lép vế dần ở thị trường nội địa, ô nhiễm môi trường…đã khiến cho không ít các chuyên gia, các nhà làm kinh tế phải “đau đầu” suy nghĩ. Thậm chí một công dân có trách nhiệm thôi, khi cầm một tờ báo đọc được dòng tin “doanh nghiệp Việt đang thất thế trên sân nhà” cũng thấy đau lòng.
Mặt khác, Mặc dù có những cố gắng quyết tâm nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta đạt kết quả còn thấp, hiệu quả rất hạn chế. Có nhiều lĩnh vực và thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn trước. Tham nhũng xảy ra rộng khắp trong bộ máy nhà nước, ở hầu hết các ngành các cấp từ trên xuống dưới với quy mô ngày càng lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt hơn. Tệ nạn tham ô, ăn cắp của công, cố ý làm trái vì động cơ vụ lợi cá nhân, báo cáo sai sự thật để thanh quyết toán khống, bòn rút công quỹ trong các lĩnh vực để làm giàu bất chính, lạm dụng chức quyền để nhũng nhiễu…đã lan rộng khắp các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, thương binh xã hội.
Đặc biệt, Trình bày báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 trước Quốc hội ngày 28/10/2015, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nói trong năm 2015, đã có 23 đơn yêu cầu cơ quan nhà nước giải trình. Số đơn đã được giải trình là 21 đơn. Đã có 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý trong đó 4 người bị xử lý hình sự (tăng 01 người so với năm 2014)… Nghe và đọc bản báo cáo đó, ai ai cũng hiểu một điều là: nó chưa tương xứng với tình hình thực tế. Vậy còn những vụ án nhỏ hơn hoặc chưa được đưa ra ánh sáng thì sao? Tất nhiên chúng ta chưa có được câu trả lời cụ thể và chính xác.
Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận một điều: gần 70 triệu cử tri đi bầu cử thì không phải cử tri nào cũng đủ tầm nhận thức để hiểu hết những đại biểu mà mình bỏ phiếu, dù cầm lá phiếu cử tri trên tay cũng là quyền và nghĩa vụ của mỗi người. Nhưng khi họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thì đó chính là sự gửi gắm, kỳ vọng rất nhiều vào từng đại biểu – những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân trong tình hình đất nước đang đổi mới và có muôn vàn thách thức, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là tầng lớp nông – lâm – ngư nghiệp.
Mỗi đại biểu cần đứng vững trước dòng chảy của nền kinh tế thị trường, thời buổi mà chủ nghĩa thực dụng lên ngôi và hiểu rõ bản chất của cơ chế thị trường, của việc tự do hoá cạnh tranh. Nói vậy vì ai ai cũng thấy được những tác động, ảnh hưởng lớn lao của nền kinh tế thị trường cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Và theo quy luật phủ định của phủ định thì cái cũ, lỗi thời sẽ bị đào thải. Tức là một số cán bộ, đảng viên không thể đứng vững được trước vòng xoáy kim tiền thì sẽ nhúng chàm và sẽ bị đào thải dù sớm hay muộn.
Hơn nữa, Sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước có lúc, có nơi còn thiếu sâu sát, chặt chẽ, chưa quyết tâm cao, cơ chế tổ chức và giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa hiệu quả, chính sách kinh tế, an sinh xã hội chưa sâu sát với đời sống của nhân dân, nhất là bộ phận nhân dân, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, miền núi và hải đảo. Điều này ta thấy tuy Đảng và Nhà nước có nhiều chỉ thị, nghị quyết nhưng việc triển khai cụ thể chưa bàn kỹ, thiếu những giải pháp có hiệu quả, tổ chức chỉ đạo chưa chặt chẽ. Và đại biểu phải là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong mọi vấn đề của cuộc sống.
Như vậy, tình trạng tham nhũng và thách thức không nhỏ trong vấn đề kinh tế, môi trường hiện nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề dân sinh nói riêng và quỹ đạo phát triển của đất nước nói chung. Vì vậy, Người đại biểu của dân trước hết cần tự chống sự suy thoái về phẩm chất đạo đức của bản thân. Vì chính sự suy thoái về đạo đức nó làm giảm lòng tin của nhân dân đối với bộ máy chính quyền và công chức, viên chức của bộ máy nhà nước, triệt tiêu động lực cơ bản nhất của sự phát triển. Bên cạnh năng lực ,trình độ thì hãy là người trung thực, tinh thần trách nhiệm cao và gắn bó với nhân dân để có thể đảm đương, gánh vác trọng trách mà nhân dân giao phó, xứng đáng với tư cách là người đại biểu của nhân dân. Chỉ có như vậy thì tiếng nói của đại biểu mới có trọng lượng, mới làm tốt vấn đề “dân sinh”, mới góp phần đẩy lùi nhanh được nạn tham nhũng trong tương lai gần.
Thạc sĩ Lầu Văn Thanh