Không hiểu luật hay coi thường doanh nghiệp?
Mối quan hệ giữa và chính quyền nhiều khi vẫn là quan hệ xin – cho, do đó, không ít vị lãnh đạo địa phương xử sự kiểu ban ơn
Hiện, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền nhiều khi vẫn là quan hệ xin – cho, do đó, không ít vị lãnh đạo địa phương xử sự kiểu ban ơn và nếu không thích, doanh nghiệp đó chỉ có …“chết”!
Đã đến lúc, điều đó không được phép tồn tại.
Bà L.T.H. là người được giám đốc Công ty Huỳnh Văn Nô ủy quyền tham gia toàn bộ quá trình giải quyết công nợ với UBND TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch TP Mỹ Tho - đã thẳng thừng mời đại diện doanh nghiệp ra khỏi phòng họp. Hành động này lập tức bị bà H. tố cáo đến Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Tiền giang.
Theo TTO, sau chuyện này, ông Hồng đã chủ động gặp gỡ báo chí để giãi bày vì sao mời bà H. ra khỏi phòng họp. Theo ông Chủ tịch TP Mỹ Tho, mời bà H. ra khỏi phòng họp bởi hai lý do: Bà H. không hiểu biết gì ở công trình này và đây là buổi hòa giải chứ không phải giải quyết khiếu nại.
Nghe những lý giải của ông Chủ tịch TP Mỹ Tho, dư luận không thể hiểu nổi, ông có nắm chắc những điều tối thiểu của luật không, hay là, nghe không lọt lỗ tai thì … mời ra? Nói chữ “mời” là né cho ông Hồng, chứ đúng ra, ông Chủ tịch TP đuổi thẳng cánh bà H. Ông Giám đốc Cty Huỳnh Văn Nô thuật lại với báo chí lời của ông Hồng: "Chị im đi. Chị không có quyền nói. Khi nào tôi cho nói thì mới được nói. Tôi có quyền đuổi chị ra khỏi phòng họp này".
Cũng theo TTO, các luật sư đã phân tích: Giấy ủy quyền của Cty Huỳnh Văn Nô cho bà H. được giám đốc ký tên, đóng dấu là hoàn toàn hợp pháp. Giấy tờ ủy quyền cho bà H. có quyền giải quyết tất cả những việc liên quan đến nợ nần của TP Mỹ Tho với doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa, buổi làm việc giải quyết khiếu nại hay hòa giải bà H. có toàn quyền tham dự. Do đó, hành động đuổi bà H. khỏi phòng họp là sai.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Hà cớ gì ông Chủ tịch TP lại lo chuyện, bà H. biết gì về vụ việc mà phát biểu? Ông Hồng còn cho rằng, bà H. vô họp phát biểu làm các doanh nghiệp khác “dị ứng”. Vậy các doanh nghiệp khác “dị ứng” hay chính ông Hồng “dị ứng”? Và ông không chỉ đuổi một lần.
Càng nghe ông Hồng trần tình, dư luận càng không thể hiểu nổi vì sao ông Chủ tịch có thể hành xử như vậy với doanh nghiệp? Có thể, nếu có chuyện bà H. nói khiến các doanh nghiệp khác “dị ứng” đi chăng nữa, với cương vị là người hòa giải, ông Hồng cũng không có quyền đuổi bà H. Bởi, với chủ nợ, họ luôn bức xúc, cách phát ngôn có thể không êm tai, hoặc số liệu đối chứng giữa các bên không chính xác thì nó tuyệt nhiên không thể là lý do… đuổi họ khỏi buổi làm việc.
Ngay từ khi mới nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Do đó, chính quyền các cấp cơ sở càng phải thể hiện rõ nhất những đòi hỏi này của Chính phủ. Hành động đuổi người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ra khỏi buổi họp là hành vi không thể chấp nhận. Hành vi đó chỉ có thể là, vị lãnh đạo này rất thiếu hiểu biết những điều tối thiểu của pháp luật hoặc cũng có thể, ông Chủ tịch TP không nghĩ rằng, doanh nghiệp dám kiện mình.
Thực tế, mối quan hệ giữa và chính quyền nhiều khi vẫn là quan hệ xin – cho, do đó, không ít vị lãnh đạo địa phương xử sự kiểu ban ơn và nếu không thích doanh nghiệp nào đó thì doanh nghiệp đó chỉ có …“chết”! Đã đến lúc, điều đó không được phép tồn tại. Để đất nước hùng cường, chính quyền phải trải thảm đỏ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo đúng nghĩa của nó.
Vương Hà