Bạn đọc viết
Để Tết Trung thu không còn mối lo ngộ độc thực phẩm
Càng vào ngày cuối của Tết Trung thu, hoạt động buôn bán sản phẩm bánh Trung thu càng trở nên nhộn nhịp, nên không ít các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đưa sản phẩm kém chất lượng, khiến người tiêu dùng rất lo lắng về an toàn thực phẩm.
Mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng đã rất tích cực có nhiều biện pháp, ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán mặt hàng bánh Trung thu kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy vậy trên thực tế, càng vào thời điểm ngày cuối của Tết Trung thu, những dấu hiệu vi phạm sản xuất kinh doanh các mặt hàng này càng diễn biến phức tạp.
Do sức mua và thị trường tiêu thụ tăng mạnh vào ngày này, nên không ít các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đưa sản phẩm kém chất lượng vào bán để đánh lừa khách hàng kiếm lợi nhuận bất chính, khiến người tiêu dùng càng băn khoăn lo lắng bởi chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất là khi những ngày qua các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm mặt hàng bánh Trung thu. Như ngày 1/9 lực lượng phòng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện cơ sở bánh trung Thành Đạt tại xóm Cộng, xã Đông Tân, thành phố Thanh Hóa cất trữ 4.165 cái bánh dẻo quá hạn tương đương 250kg và 2kg nhân bánh bị mốc. Tại hiện trường, chủ cơ sở khai nhận lượng bánh trung thu hết hạn trên được thu mua về tái sản xuất, sau đó bán ra thị trường trong dịp trung thu.
Hay trước đó tại Hà Nội đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh trung thu Hoàng Anh, nằm trong ngõ 103 đường Trường Chinh (phường Phương Liệt, Thanh Xuân). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện, tất cả công nhân đang tham gia sản xuất, nhào nặn bánh, đều không đeo khẩu trang, có công nhân không đeo găng tay. Khu vực sản xuất chừng hơn 30 m2 sắp xếp lộn xộn, các nguyên liệu như bột, đường đều để bệt xuống nền nhà và chất dọc cầu thang. Đây vừa là nhà ở, vừa là nơi sản xuất, cho nên dụng cụ sinh hoạt gia đình lại để lẫn khu vực sản xuất. Một số hộp bánh dán nhãn mác sai quy định. Dù cơ sở xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, cũng như chứng nhận an toàn thực phẩm…
Có thể nói những dấu hiệu vi phạm sản xuất kinh doanh các mặt hàng bánh Trung thu đang diễn biến phức tạp, khiến người tiêu dùng vô cùng băn khoăn trong việc lựa chọn sản phẩm, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm. Dẫu đây không phải là việc mới, mà thực tế những dấu hiệu vi phạm trong sản xuất và kinh doanh nêu trên lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay.
Vì vậy mong muốn chung của người tiêu dùng là chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm định các sản phẩm, chất lượng hàng hóa. Nhất là tại các cơ sở sản xuất ở các làng nghề truyền thống, các cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Khi phát hiện các cơ sở vi phạm, cần tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Bên cạnh đó, biểu dương các cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm, nhằm giúp người tiêu dùng yên tâm mỗi khi mua bán, sử dụng.
Và một điều tưởng chừng rất nhỏ, nhưng lại vô cùng quan trọng đó là tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn, bảo quản và sử dụng sản phẩm an toàn đối với bánh nướng, bánh dẻo, các loại kẹo, nước giải khát, không mua bán, sử dụng nguyên liệu, sản phẩm bánh Trung thu hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ,...
Ðối với người tiêu dùng, hãy trở thành “người tiêu dùng thông minh”, chỉ mua, lựa chọn các sản phẩm thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, nhất là không nên tham rẻ mà mua các loại thực phẩm được bày bán trên hè phố, lòng đường, hàng rong, chợ cóc, chợ tạm... đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh có những biểu hiện làm ăn gian dối, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để đón Tết Trung thu vui vẻ, đầm ấm.
Minh Tư