Công nhân không gửi con vào nhóm trẻ gia đình thì gửi ở đâu?

Sau vụ bạo hành trẻ mầm non ở trường mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TPHCM) bị phát hiện, một lần nữa hồi chuông báo động về an toàn nhà trẻ dành cho con công nhân lại gióng lên.


Một vụ bạo hành trẻ mầm non được phát hiện - Ảnh cắt từ clip (Nguồn: NLDO)

Một vụ bạo hành trẻ mầm non được phát hiện - Ảnh cắt từ clip (Nguồn: NLDO)

Có lẽ hồi chuông này chưa có dấu hiệu ngừng lại bởi chỗ gửi trẻ cho con công nhân chưa bao giờ hết bức bách!

Tại TPHCM, theo kế hoạch của chính quyền TP, từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ triển khai 22 dự án xây dựng trường mầm non dành cho con công nhân tại các KCN-KCX, hiện đã có 14 dự án được hoàn thành.

Năm học 2016-2017, TPHCM đưa vào hoạt động 3 trường mầm non dành cho con công nhân đang làm việc ở các KCX-KCN gồm: Trường Mầm non Hoàng Yến (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức), Trường Mầm non Hoa Đào (phường Linh Trung) và Trường Mầm non KCX Tân Thuận (quận 7).

Có lẽ TPHCM đã rất cố gắng. Tuy nhiên, với số lượng có hạn và một nhu cầu vô hạn, số lượng con công nhân được gửi vào các trường này như giọt nước bỏ bể.

Họ, những công nhân rời bỏ làng quê vào miền Nam, tìm đến những miền đất hứa, ngày đêm vắt kiệt sức trong những nhà máy và đổi lại là một tương lai mờ mịt với tiền lương không đủ sống, không đủ lo cho con mình một chỗ ở tốt, một chỗ học đàng hoàng. Những người lao động nhập cư, con cái của họ luôn luôn phải xếp hàng sau những đứa trẻ có hộ khẩu tạm trú ở thành phố khi xin vào học ở các trường công lập.

Cực chẳng đã, các trường công, họ chẳng muốn phân biệt những đứa trẻ “hộ khẩu” với những đứa trẻ “tạm trú” nhưng các trường vẫn phải lựa chọn. Bởi trường lớp, chỗ ngồi có hạn, họ không thể “bao” hết tất cả những đứa trẻ là con của công nhân ngoại tỉnh.

Xã hội hóa công tác giáo dục, trường tư thục, dân lập, nhóm trẻ gia đình ra đời là nhu cầu tất yếu bởi nếu không có những nơi này, con công nhân biết gửi ở đâu?

Nhiều công nhân khi thấy con mình sợ hãi khi nhắc về “đến trường” rồi rùng mình ớn lạnh khi thấy những clip các bảo mẫu hành hạ những đứa trẻ, đôi khi trong đó có cả con mình. Nhưng sau đó thì sao? Những công nhân còn lựa chọn nào khác để gửi con không?

Không thể quản lý theo kiểu “phát hiện bảo mẫu bạo hành rồi đóng cửa nhà trẻ” rồi sau đó là “cho rà soát lại tất cả nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ” như cách làm bấy lâu nay. Trong khi chúng ta loay hoay nghĩ cách quản lý, nhà trẻ thiếu thốn thì ngoài kia, bao nhiêu đứa trẻ sẽ là nạn nhân tiếp theo của những vụ bạo hành?

Theo Khánh Ninh

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm