Bạn đọc viêt

Cán bộ cần phải “ra đường” nhiều hơn

Nhiều chủ trương chính sách được ban hành không khả thi, không đi vào thực tế cuộc sống do xa rời thực tiễn đời sống xã hội rất sinh động đang diễn ra và thay đổi từng ngày, từng giờ.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Trong xã hội từ lâu đã tồn tại lối suy nghĩ là làm cán bộ nhà nước, tức công việc gắn với hồ sơ, giấy tờ hay còn gọi là làm việc bàn giấy, ngồi phòng lạnh để so sánh với công nhân, lao động chân tay. Điều này khá chính xác với nền hành chính mệnh lệnh kế hoạch, tập trung, bao cấp trước đây, tuy nhiên khi đất nước đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng, toàn diện, mọi mặt của đời sống xã hội thì công việc của cán bộ, công chức (CBCC) không còn như xưa nữa.

Ngày nay, để hoàn thành tốt công việc được giao và phục vụ người dân tốt hơn thì CBCC phải năng động, sáng tạo hơn, đặc biệt là cần phải sâu sát với cơ sở, đời sống thường ngày của người dân, va chạm với thực tiễn xã hội. Bởi vì, các vấn đề, các mối quan hệ xã hội thay đổi rất nhanh nên rất cần có sự tiếp cận, nắm bắt để điều chỉnh, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Hiện nay, không ít CBCC vẫn còn lối suy nghĩ công việc hành chính là ngồi một chổ tại trụ sở để người dân, tổ chức tìm đến để giải quyết mà không cần phải xuống cơ sở, tiếp xúc với người dân tại cơ sở. Thậm chí những CBCC trẻ mới vào các cơ quan nhà nước chẳng chịu đi cơ sở, xâm nhập thực tế, địa bàn để nắm tình hình, tích lũy vốn kiến thức phục vụ công việc nên khi giải quyết các yêu cầu của công dân thì cứng nhắc, máy móc, gây khó cho người dân.

Nhiều trường hợp đi thực tế hình thức, đối phó qua loa, không xuống địa bàn, tiếp xúc với dân mà chỉ làm việc với cán bộ, nghe báo cáo nên không nắm rõ tình hình thực tế ở cơ sở, tâm tư nguyện vọng của người dân. Hay tình trạng xuống địa bàn theo kiểu “cưỡi ngựa, xem hoa”, coi việc đi thực tế như đi du lịch, vui chơi là chính! Điều này vừa mất thời gian, vừa lãng phí nguồn lực nhưng chẳng mang lại kết quả gì, đôi khi làm khó thêm cho cơ sở vì phải đón tiếp, cơm nước... Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương chính sách được ban hành không khả thi, không đi vào thực tế cuộc sống do xa rời thực tiễn đời sống xã hội rất sinh động đang diễn ra và thay đổi từng ngày, từng giờ.

Do đó, việc phải thay đổi tư duy, tác phong làm việc theo hướng gần dân, bám sát địa bàn, lĩnh vực quản lý là yêu cầu cấp thiết, quan trọng. Theo đó, CBCC phải từ bỏ lối suy nghĩ làm cán bộ nhà nước là làm công việc bàn giấy, ngồi phòng lạnh. CBCC dù làm việc làm việc ở bất cứ ngành, lĩnh vực nào cũng cần phải ra khỏi trụ sở, phòng làm việc để đi thực tế, nhiều hay ít tùy thuộc vào tính chất, nội dung công việc được giao. Việc đi thực tế ở đây phải được hiểu là tăng cường tiếp xúc, giao lưu với người dân, xuống địa bàn bất cứ thời gian nào trong giờ hành chính hay ngoài giờ hành chính, chứ không phải chỉ là đi theo chương trình, kế hoạch định sẳn. Nói một cách dễ hiểu là CBCC phải tăng cường “ra đường” nhiều hơn, xông xáo đến địa bàn quản lý để giải quyết công việc cho người dân, đồng thời nắm bắt tình hình thực tế, tích lũy kiến thức để giúp cho công việc chuyên môn của mình được tốt hơn./.

Vĩnh Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm