Tổng Bí thư: Địa phương dư nguồn mà không được chi lương cao hơn!
(Dân trí) - Chính sách tiền lương phức tạp, mang nặng tính bình quân, cào bằng. Quá nhiều loại phụ cấp, khoản thu nhập ngoài lương làm phát sinh nhiều bất hợp lý. Nhiều địa phương dư nguồn mà không được chi lương cao hơn… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra những bất cập cần khắc phục khi cải cách tiền lương…
Khai mạc Hội nghị Trung ương 7, gợi ý hướng thảo luận về đề án cải cách chính sách tiền lương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tầm quan trọng của chính sách tiền lương - một bộ phận rất quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống của người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Điểm lại 4 lần cải cách chính sách tiền lương (vào các năm 1960, 1985, 1993 và năm 2003) và các kết luận, quyết đáp quan trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội và Hội nghị cũng như những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đã đến lúc phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương để khắc phục những hạn chế, bất cập bộc lộ.
Cụ thể, chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Quy định mức lương bằng mức lương cơ sởnhân với hệ số đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan quyết định, bằng nhiều văn bản quy định khác nhau, làm phát sinh nhiều bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ; chưa động viên được người có chuyên môn, nghiệp vụ, năng suất lao động cao.
Tiền lương cơ bản của khu vực công thấp hơn khu vực doanh nghiệp, chưa bảo đảm nhu cầu thiết yếu của đời sống và chưa phải là nguồn thu nhập chính của nhiều người hưởng lương.
Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương đối với khu vực công về cơ bản vẫn do ngân sách nhà nước bảo đảm và chủ yếu từ ngân sách Trung ương. Việc thực hiện xã hội hoá và điều chỉnh giá phí dịch vụ công theo cơ chế thị trường trong nhiều lĩnh vực còn chậm. Nhiều địa phương còn dư nguồn cải cách tiền lương nhưng không được chi lương cao hơn.
Tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối theo lao động trong nền kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Việc Nhà nước quy định một số nguyên tắc về xây dựng thang, bảng lương đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tiền lương của doanh nghiệp; chưa phát huy được vai trò, tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu sắc, toàn diện các nội dung, vấn đề nêu trong Tờ trình, Đề án và Dự thảo Nghị quyết của Trung ương. Chú ý đánh giá khách quan, khoa học về tình hình và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo bối cảnh tiến hành cải cách lần này, thấy hết những khó khăn, thách thức cũng như thời cơ, thuận lợi mới.
Tổng Bí thư nêu vấn đề, phải chăng, về thời cơ, thuận lợi, có thể kể đến, đó là thành tựu có ý nghĩa lịch sử của 30 năm đổi mới, tiềm lực kinh tế và ngân sách nhà nước, thu nhập và đời sống của nhân dân đã được cải thiện, nâng cao đáng kể; những kết quả tích cực, khá toàn diện của việc triển khai thực hiện các kết luận của Hội nghị Trung ương 5, Trung ương 7 khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ban hành và đang quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập", coi đây là những tiền đề rất căn bản để cải cách tiền lương?
Từ đó, thống nhất nhận thức về sự cần thiết, cấp bách và tính khả thi của việc tiến hành cải cách chính sách tiền lương lần này; xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; những chính sách, biện pháp, nhất là những chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung xem xét, quyết định những vấn đề mới, có tính cải cách, đặc biệt là các vấn đề Bộ Chính trị xin ý kiến Trung ương.
Về đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Tổng Bí thư cho biết, chính sách mới bắt đầu thực hiện từ năm 1961 tới nay và thực tế, từ năm 1995 mới phát triển đầy đủ, phù hợp hơn với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Việc xây dựng đề án lần này tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn để phát triển lĩnh vực bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước và thể hiện được tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương bám sát vào đề án và tờ trình của Bộ Chính trị, đồng thời căn cứ vào thực tiễn triển khai thực hiện để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, thống nhất nhận định về tình hình phát triển lĩnh vực bảo hiểm xã hội ở Việt Nam, chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và đặc biệt là nguyên nhân, bài học kinh nghiệm thành công, chưa thành công trong lĩnh vực này.
Theo Tổng Bí thư, phải chăng nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém là do: Nhận thức, tư duy lý luận và thể chế về bảo hiểm xã hội còn chậm được đổi mới, hoàn thiện; hệ thống luật pháp, chính sách, bộ máy tổ chức, cán bộ đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; số lượng lao động làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động còn lớn, dựa chủ yếu vào tiết kiệm của bản thân và mạng lưới an sinh gia đình truyền thống trong khi thu nhập còn thấp, không ổn định, áp lực chi tiêu trước mắt còn lớn; xuất phát điểm còn thấp, sự phát triển của nền kinh tế và thu chi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn?...
Từ tổng kết thực tiễn và sự phân tích, dự báo một cách khoa học, với tầm nhìn xa tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thu nhập của người dân trong trung và dài hạn, Tổng Bí thư cho rằng, Trung ương cần trao đổi, thống nhất về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.
Tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; bảo đảm cân đối tài chính bảo hiểm xã hội trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu...
Chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Đồng thời, Tổng Bí thư yêu cầu, căn cứ vào phạm vi, tính chất, mức độ đổi mới trong nội dung đề án, tính đồng bộ với đề án cải cách chính sách tiền lương và tạo sự đồng thuận xã hội giữa người đang làm việc và người đã nghỉ hưu để thống nhất quyết định ban hành Nghị quyết của Trung ương về cải cách hay chỉ là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội.
P.Thảo