Phó Chủ tịch Quốc hội: “Nhiều lò mổ quá rùng rợn, đứng tim luôn”

(Dân trí) - “Việc sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm, qua giám sát nhiều địa phương đều thấy làm chưa tốt, có địa phương chỉ kiểm soát được 40%, nhiều lò mổ rất rùng rợn, quá khủng khiếp, đứng tim luôn” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khái quát sau nhiều đợt trực tiếp đi thị sát tại các địa phương vừa qua…

Ngày 3/3, trong khuôn khổ chương trình giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách pháp luật để đảm bảo an toàn thực phẩm, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ xung quanh nội dung này.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo với đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo với đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm.

Kiểm tra 3,3 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chỉ khởi tố 1 vụ án

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 nêu nhiều con số.

5 năm qua, cơ quan chức năng kiểm tra tại 3,3 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 679.000 cơ sở vi phạm nhưng mới chỉ xử lý 136.000 cơ sở, chiếm 20%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% trong năm 2015 lên 23,4% trong năm 2016, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% lên 67%, số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 3,59 triệu lên 3,73 triệu.

Dù vậy, công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm hiệu quả chưa cao do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự.

Trong 5 năm, cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngoài ra, cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến an toàn thực phẩm theo các tội danh khác.

Kết quả xử lý hình sự như vậy, theo Bộ trưởng Y tế, cử tri nói là chưa nghiêm.

Phó Chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ và môi trường Phùng Đức Tiến dẫn lại hàng loạt con số "khủng" về thực phẩm không rõ nguồn gốc đã được Chính phủ báo cáo, như Lạng Sơn phát hiện và thu giữ 416 tấn chân gà và phủ tạng, Nghệ An thu giữ 202 tấn thực phẩm, Tp.HCM xử phạt tới 45 tỷ với thực phẩm không rõ nguồn gốc...

“Vậy trên toàn quốc thì đã có bao nhiêu thực phẩm rõ nguồn gốc bị tịch thu? Thông tin từ đoàn giám sát cho thấy còn không ít hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Kiểm soát an toàn thực phẩm còn rất nan giải?” - ông Tiến đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi đặt ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phân trần, sản phẩm nhập khẩu không phát hiện nhiều vi phạm nhưng dư luận râm ran là mất an toàn. “Đề nghị báo chí phát hiện loại quả nào có chất bảo quản, để cả năm không hỏng thì báo chúng tôi mang đến phòng thí nghiệm để xác định xem chất dùng bảo quản là chất gì” – ông Khánh nói.

Nhiều địa phương chỉ giám sát được 40%

Cũng “mổ xẻ” từ những con số đưa ra, Ủy viên Thường trực UB pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, báo cáo của Chính phủ nêu kết quả giám sát liên tục trong thời gian 5 năm cho thấy ngộ độc thực phẩm đang là vấn nạn, là thách thức lớn với xã hội. Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.

“Đằng sau những con số này thì thống kê về ảnh hưởng của an toàn thực phẩm đến sức khoẻ của toàn dân thế nào? - một thành viên đoàn giám sát băn khoăn.

Phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát, Chủ nhiệm UB Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng sốt ruột: pháp luật nhiều thế, đầy đủ, bộ máy có từ trên xuống dưới, tinh thần rất quyết liệt, Chính phủ rất quan tâm thế sao an toàn thực phẩm vẫn như vậy, thế cần giải pháp gì, ở đâu?

Thủ tướng đã khẳng định ở đâu xảy ra mất an toàn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, vậy giải pháp nào để xử lý trách nhiệm người đứng đầu - ông Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nêu vấn đề.

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ đánh giá đúng mức, không tô hồng, không bôi đen về thực trạng của tình hình an toàn thực phẩm hiện nay? Nguyên nhân chính của tình trạng đó là gì? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp như thế nào?

Đáp lại những chất vấn của Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Y tế cho rằng, câu hỏi của Trưởng đoàn giám sát tối cao không dễ trả lời.

Về thực trạng an toàn thực phẩm, theo Bộ trưởng, qua giám sát thì thấy có sự báo động. Còn nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng số một là xuất phát điểm an toàn thực phẩm quá thấp, nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó người sản xuất kinh doanh cố tình làm sai, doanh nghiệp bất chấp tất cả vì lợi nhuận, xử lý chưa nghiêm. Hệ thống giám sát có tiến bộ nhưng cảnh báo nguy cơ còn thấp, con người và tài chính đều yếu.

Nếu không có giải pháp đột phá thì sẽ mãi thế thôi, Bộ trưởng Tiến nói và cho rằng cần có đột phá về tài lực và vật lực, có sở hạ tầng cũng như xử phạt nghiêm minh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, an toàn thực phẩm còn rất nhiều bất cập, còn rất nhiều bức xúc, đặc biệt trong mấy năm gần đây. Các bộ ngành rất cố gắng, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm chỉ đạo nên tình hình có chuyển biến tích cực bước đầu nhưng nếu như thế đã hài lòng thì vấn đề sẽ không những không tốt lên mà còn diễn biến nguy hiểm hơn.

Kết lại hội thảo giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó có việc xử lý chưa nghiêm dẫn đến hiện tượng “nhờn” luật. “Sản xuất, chế biến, phân phối qua giám sát nhiều địa phương đều thấy làm chưa tốt, có địa phương chỉ kiểm soát được 40%, nhiều lò mổ rất rùng rợn, quá khủng khiếp, đứng tim luôn” – ông Hiển thốt lên.

P.Thảo