Chủ tịch Quốc hội: Dân có ý kiến về trạm BOT trên quốc lộ là đúng!
(Dân trí) - "Quốc lộ 1 này người ta đang đi và hàng năm phải nộp phí giao thông đường bộ, bây giờ anh thảm, anh nâng cấp nó lên rồi anh đặt cái trạm và anh không miễn phí cho các hộ dân và doanh nghiệp xung quanh đó thì là bất hợp lý. Tôi thấy ở đây dân có ý kiến rất là đúng và chúng ta cần phải xem xét”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay 6/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu có buổi tiếp xúc cử tri phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Tại buổi tiếp xúc nhiều cử tri phản ánh về các vấn đề mà xã hội đang quan tâm như: bất cập tại các dự án BOT; chất lượng khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT còn thấp; vấn đề nhà máy Lee & Man; tình trạng chạy việc vào các cơ quan nhà nước…
Cử tri Hoàng Đăng Tình (cán bộ hưu trí) dẫn câu chuyện về điểm nóng BOT Cai Lậy trong những ngày qua, và liên đới về trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp đặt trên địa bàn phường Ba Láng. Cử tri này cho rằng, đoạn đường này khoảng 22km, nhà đầu tư chỉ cải tạo dựa trên mặt đường hiện hữu, nhưng thu phí rất cao, khiến người dân bức xúc.
“Tôi đề nghị kiểm tra, đánh giá năng lực nhà đầu tư, trạm BOT này đặt có đúng vị trí hay không, đồng thời phải miễn phí 100% vé qua trạm cho các phương tiện tại chỗ trong bán kính 5-7km”, cử tri Tình nói.
Tương tự, cử tri Huỳnh Văn Năm, phường Ba Láng cho biết: "Tập thể chúng tôi gồm 27 người, đã gửi đơn từ tháng 8/2017 cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương; nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời về việc miễn giảm giá vé qua trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Riêng nhà tôi cách trạm 700m, mỗi lần qua trạm vẫn phải đóng đủ, không được giảm đồng nào".
Trước vấn đề trên, ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ - cho biết: Từ ngày 18/8 vừa qua, Sở có nhận đơn của 13 doanh nghiệp yêu cầu miễn giảm vé qua trạm. Đến nay, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản chính thức trình Bộ GTVT về việc miễn giảm xe qua trạm. Cụ thể, các phương tiện sẽ được miễn giảm chung từ 10-15%. Riêng hai địa phương lân cận là Ba Láng (Cần Thơ) và Tân Phú Thạnh (Hậu Giang) sẽ được miễn giảm từ 35%. Hiện đang chờ Bộ GTVT phê duyệt.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Chủ trương BOT Thường vụ Quốc hội đã nắm được và đã tiến hành giám sát chuyên đề về chủ trương, đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.
Chủ trương BOT rất đúng đắn nhằm huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, thúc đẩy xây dựng các công trình, kết cấu hạ tầng quan trọng để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội của một địa phương của một vùng hay là cả nước.
Thực tế nhiều công trình đầu tư theo hình thức này đã xây dựng và phát huy được hiệu quả. Nếu không có BOT thì làm gì tới 2021 chúng ta thông tuyến cao tốc Bắc- Nam trong đó có tuyến Trung Lương về Cần Thơ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng: “Vấn đề đặt ra ở đây, chúng ta phải có tiêu chí để chọn nhà đầu tư, cái nào làm trước, làm đường mới hay là làm trên nền cũ? Anh làm trên con đường độc đạo buộc dân phải đi qua chỗ này chứ không còn con đường nào khác thì dân người ta nói. Quốc lộ 1 này người ta đang đi và hàng năm phải nộp phí giao thông đường bộ, bây giờ anh thảm, anh nâng cấp nó lên rồi anh đặt cái trạm và anh không miễn phí cho các hộ dân và doanh nghiệp xung quanh đó thì là bất hợp lý. Tôi thấy ở đây dân có ý kiến rất là đúng và chúng ta cần phải xem xét”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bà Kim Ngân cũng cho biết: “Tôi đang cầm trên tay là nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh chính sách pháp luật và đầu tư theo hình thức BOT. Trong này có đưa ra 8 nhiệm vụ giải pháp, đúng như bà con cử tri nói ở đây. Nghị quyết giao nhiệm vụ cho bộ GTVT làm cái gì, nhà đầu tư làm gì, chế độ chính sách miễn giảm phí sa sao, đặt trạm chỗ nào, công khai cho dân, thông tin bàn bạc với dân ra sao”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải đáp thắc của các cử tri
“Chúng tôi yêu cầu bộ GTVT tổng rà soát lại toàn bộ hệ thống quy hoạch và những cơ sở làm theo hình thức BOT đồng thời có biện pháp xử lý những vướng mắc, ví dụ vụ Cai Lậy”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc nhà máy Lee& Man ở Hậu Giang ai đưa vào? Có kiểm soát đảm bảo môi trường? Có lợi ích nhóm ở đây hay không? Chủ tịch Quốc hội cho biết: "Lần tiếp xúc cử tri trước, có cử tri nói rằng nếu không kiểm soát môi trường nước thải chảy ra sông Hậu không chỉ ở Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long mà có khi nó chảy về tận quê của bà chủ tịch là ở Bến Tre. Tôi thấy đúng như thế, nếu chúng ta không kiểm soát thì bao nhiêu vùng cây trái, đời sống sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, tiếp thu ý kiến của cử tri chúng tôi đã yêu cầu Bộ Tài nguyên & Môi trường phải báo cáo. Trong báo cáo của Bộ này nêu, trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, Bộ đã cử tổ giám sát thường xuyên quá trình vận hành, khi nước thải đưa ra môi trường phải đảm bảo theo tiêu chuẩn. Nếu không đảm bảo sẽ không cho sản xuất, thậm chí thu giấy phép.
Thực ra chúng ta muốn thu hút đầu tư để có nhiều nhà máy, tạo công ăn việc làm, tăng giá trị hàng hoá công nghiệp, xuất khẩu chứ không ai muốn rinh cái nhà máy này đến để nó làm ô nhiễm môi trường, làm cho đời sống chúng ta khổ hơn. Chúng ta không bằng mọi giá để thu hút những dự án mà có thể gây tác hại đến môi trường. Formosa là bài học xương máu của chúng ta”.
Phạm Tâm