Tự ứng cử vào chức vụ lãnh đạo nhà nước, tại sao không?

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước… Đó là nội dung mới nhất của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội đang được đưa ra bàn thảo.

 

Tự ứng cử vào chức vụ lãnh đạo nhà nước, tại sao không? - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Có qui định này có lẽ là bởi theo thông lệ, chưa có đại biểu Quốc hội nào đó tự ứng cử vào các chức danh trên.

Do đó có thể nói, cùng với đề xuất các vị Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trước khi nhậm chức thì qui định này là một bước tiến về tinh thần dân chủ.

Song, đây cũng không phải là quá mới mẻ bởi ngay trong Điều 27, Hiến pháp 2013 đã qui định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

Một công dân đủ 21 tuổi có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân thì việc một đại biểu Quốc hội có quyền tự ứng cử vào các chức danh lãnh đạo cao nhất của nhà nước cũng là điều bình thường.

Một điều “bình thường” nhưng lại trở thành “không bình thường” bởi tuy có qui định như vậy nhưng cho đến nay, chưa có ai làm việc đó cả.

Vì sao vậy?

Nguyên nhân thì có nhiều, do cơ cấu của ta không giống các nước, do tính qui hoạch chi phối… và có lẽ do cả bởi cái tính rụt rè, không đủ tự tin.

Không đủ tự tin nên không dám ứng cử vì sợ không trúng, tức là không được làm. Không đủ tự tin nên nghĩ rằng mình không làm được. Thậm chí, không đủ tự tin đến mức không có cả ý nghĩ đó nữa.

Ở ta còn có một thực tế, đó là những người tự ứng cử ít nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng hay nói cách khác, dư luận chưa coi đây là việc làm bình thường ở một môi trường dân chủ, tôn trọng mọi quan điểm cá nhân.

Tất nhiên đảm nhiệm các chức vụ đó có khó không, chắc chắn là rất khó. Nhớ lại trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí rằng làm Tổng thống Pháp có khó không, một vị Tổng thống Pháp (mình không nhớ tên) đã trả lời bằng một câu hỏi: “Bạn có nghĩ rằng làm Tổng thống của đất nước có đến 7.000 loại rượu vang là dễ?”.

Một câu trả lời phỏng vấn kinh điển nhưng cũng nói lên rằng, làm nguyên thủ quốc gia rất và rất khó.

Khó nhưng không có nghĩa là không làm được.

Trở lại với qui định của Dự thảo, nếu như điều này được thông qua, cái khó là phải tạo cơ sở để nó đi vào cuộc sống. Nếu không đi vào cuộc sống tức là không thành công.

Cụ thể ở đây, nếu qua nhiều nhiệm kỳ, không có ai tự ứng cử vào các chức danh trên thì có thể coi như một chủ trương không phù hợp.

Nhớ lại cách đây 14 năm. Luật Tổ chức Quốc hội qui định bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn nhưng phải mãi 12 năm sau, điều này mới thành hiện thực.

Một chủ trương dù hay, dù tốt đến đâu nhưng không đi vào cuộc sống thì khó có thể nói khác hơn hai từ: Thất bại!

Vì vậy, cùng với việc qui định đại biểu tự ứng cử vào các chức danh trên, cần tạo một môi trường lành mạnh, đủ sự tin cậy đồng thời cũng tạo dựng để đại biểu Quốc hội đủ sự tự tin.

Và tất nhiên, đó là việc làm không dễ.

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!