Ông Cục trưởng Đạt cũng lại... “kính chuyển”?

(Dân trí) - Xin đừng để công cuộc phòng chống tham nhũng “như đánh trận giả, thử thì kêu, bắn thật thì xịt” như lời của ĐB Dương Trung Quốc.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một tin vui đến với công cuộc chống tham nhũng những ngày cuối năm 2015, đó là máy của vị Cục trưởng cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt vẫn liên tục nóng.

Chí ít ngày sau khi công khai trên báo chí, 3 đường dây nóng của ông Cục trưởng Đạt đã nhận trên 200 tin của người dân phản ánh về hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.

Ông Phạm Trọng Đạt cho biết:“Tôi đã trực tiếp hướng dẫn người dân gửi đơn thư phản ánh đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo trình tự pháp luật hoặc trực tiếp chuyển phản ánh cho các bộ ngành, địa phương liên quan giải quyết rồi. Có 2/3 trong số 200 phản ánh đó là có cơ sở để giải quyết”- ông Đạt nói.

Với số lượng 2/3 trong số phản ánh đó “có cơ sở để giải quyết” tức là sẽ có khoảng 140 vụ việc được xem xét và đưa ra ánh sáng.

Song, vẫn còn đó ba điều lo ngại.

Thứ nhất, đó là tình trạng tham nhũng đang “quá tải”, chỉ trong mấy ngày, đã có 140 vụ được xác định là có cơ sở và đây có thể cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi đường dây nóng của Cụ trưởng Đạt chỉ là một nguồn thông tin và người dân cũng chưa thật quan tâm và tố cáo hết.

Lo ngại thứ hai, tuy đã gửi lên tới tận ông Cục trưởng nhưng ông Cục trưởng cũng chỉ “trực tiếp hướng dẫn người dân gửi đơn thư phản ánh đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo trình tự pháp luật hoặc trực tiếp chuyển phản ánh cho các bộ ngành, địa phương liên quan giải quyết”.

Đọc câu nói này, khó để có thể không nhận thấy ông Cục trưởng Đạt cũng lại “kính chuyển” chứ không giải quyết được hoặc không được giải quyết.

Lo ngại thứ ba, theo ông Đạt, “vấn đề mà người dân phản ánh nhiều nhất liên quan đến Bộ Công an. Chính vì thế, Cục Chống tham nhũng đã chuyển hầu hết các phản ánh, tố cáo đó tới Thanh tra Bộ Công an đề nghị kiểm tra, thanh tra, giải quyết hoặc trả lời người dân”.

Nói lo ngại bởi công an là lực lượng chủ chốt chống tham nhũng, tiêu cực nên cái “nhiều nhất” này không chỉ là mất mát về tiền của mà còn ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/9/2013, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi: “Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không?”

Chỉ khi nào máy của ông Cục trưởng Chống tham nhũng liên tục “nóng”, những phản ánh của người dân được ghi nhận và những vụ vi phạm được xử lý rốt ráo và nghiêm khắc, không còn xử lý kiểu đối phó, lấy lệ như “phê bình, khiển trách” thì khi đó, công cuộc chống tham nhũng mới có hiệu quả và ngược lạ.

Xin đừng để công cuộc phòng chống tham nhũng “như đánh trận giả, thử thì kêu, bắn thật thì xịt” như lời của ĐB Dương Trung Quốc.

Bùi Hoàng Tám