Những người trẻ đại ác và những người cực thiện
(Dân trí) - Một loạt các vụ trọng án do một số thanh niên trẻ gây ra gần đây không khỏi khiến nhiều người bàng hoàng. Nhưng cũng có những người thanh niên, thậm chí là có cả trẻ em lại có những hành động rất thiện tâm, gây xúc động mạnh trong xã hội không khỏi khiến người ta phải nhìn nhận lại những câu chuyện này.
Vụ án gây chấn động nhất đầu năm 2018 là nghi can Nguyễn Hữu Tình, một thanh niên mới vừa đủ 18 tuổi ở An Giang được cho là đã ra tay giết hại cả một gia đình 5 người ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Cho đến nay, những chứng cớ, kết quả điều tra ban đầu cho thấy khả năng cao Tình chính là thủ phạm duy nhất của vụ án và chính nghi can này đã thừa nhận gây ra vụ thảm sát nói trên.
Nếu quả thật thanh niên này giết hại cả một gia đình chỉ vì bà chủ "hay chửi mắng, đối xử không công bằng" với mình trong quá trình Tình làm thuê tại đây thì đây quả thực mà một hành vi quá tàn ác.
Nhưng trước nghi can này, đã có hàng loạt vụ trọng án khác mà những kẻ gây án, đã được cơ quan điều tra làm rõ, tòa án đã ra phán quyết trừng phạt cũng là những thanh niên ở độ tuổi còn rất trẻ như: Lê Văn Luyện (gây án khi mới 17 tuổi), Nguyễn Hải Dương (gây án, giết hại 6 người)...
Đó là chưa kể có hàng loạt vụ án khác, chỉ trong khoảng 2-3 năm gần đây, dù mức độ nghiêm trọng, tàn án chưa bằng các vụ trên, nhưng cũng do nhiều thanh, thiếu niên gây ra không khỏi khiến người ta bàng hoàng, đặt ra câu hỏi: Nguyên nhân nào khiến những nhiều thành niên trẻ trở nên man rợ, tàn bạo như vậy?
Đã có rất nhiều chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, luật sư, nhiều hội nghị, hội thảo phân tích về nguyên nhân của những hành vi độc ác trong giới trẻ gia tăng. Có người thì cho rằng, đó là do những khiếm khuyết trong nền tảng giáo dục: Giáo dục đề ra những mục tiêu cao xa nhưng đang mờ nhạt trong việc đào tạo trẻ em về tính nhân bản, sự yêu thương, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Có nhiều người thì nhìn nhận đó là hệ quả của một xã hội quá chú trọng về danh lợi, tiền bạc: Giới trẻ hiện nay chỉ thấy những câu chuyện: "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ...", "có tiền mua tiên cũng được"... Có người cho rằng do sự thiếu giám sát của cộng đồng, tổ chức xã hội, sự thiếu trách nhiệm của các gia đình với con cái. Có chuyên gia nói đến ảnh hưởng của phim ảnh, báo chí mô tả quá dày đặc, chi tiết tội ác ...
Tất cả các nguyên nhân trên, theo người viết bài này, đều đúng cả và nó là tổng hòa các yếu tố khiến cho mỗi tội ác xảy ra trong giới thanh, thiếu niên vừa qua đều không phải ngẫu nhiên. Và cho đến giờ, xã hội đều vẫn thắc thỏm lo sợ: Sẽ còn những tội ác kinh khủng nào nữa xuất phát từ những thanh niên trẻ, những cậu bé mới lớn trong tương lai?
Quả thật, có những tội ác của những thanh niên trẻ lần đầu phạm tội vừa qua đã khiến cho ngay cả giới tội phạm cũng lấy làm kinh hoảng vì mức độ tàn ác của chúng. Nhiều người còn bày tỏ sự lo ngại hiện nay, khi ra ngoài đường chẳng may va chạm gì (giao thông thôi) chẳng hạn, nhiều khi không biết chuyện gì đã xảy ra, bởi có những đứa có khi mới là trẻ con, đã sẵn sàng giết người không ghê tay.
Vấn đề là người ta phân tích đã quá nhiều, đã nêu rõ rất nhiều nguyên nhân nhưng làm gì để khắc phục những vấn đề đó thì cho đến giờ, cũng không thấy có những động thái nào từ ngành giáo dục, từ cơ quan bảo vệ pháp luật, từ các tổ chức xã hội để cải thiện tình hình.
Nhưng ngược lại những câu chuyện đen tối ấy, thời gian qua, chúng ta đã thấy cũng có những việc làm, hành động rất thiện tâm, gây xúc động mạnh trong cộng đồng, xã hội của một số thanh, thiếu niên mà báo chí cũng đã nêu đầy đủ.
Câu chuyện mới nhất, như Dân trí đã đưa tin về bé gái Hải An, mới hơn 7 tuổi tại Hà Nội bị ung thư và trước khi chết đã tâm sự với mẹ, hiến tặng giác mạc cho người khác vào ngày 22/2 vừa qua, khiến nhiều người biết chuyện đều nghẹn ngào. Hình ảnh người mẹ đặt nụ hôn vào trán con: "Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác con nhé" trước khi Hải An sang thế giới khác hôm đó không khỏi trào nước mắt.
Cũng đầu tháng 2/2018, Dân trí cũng đã có nhiều bài viết về nam sinh viên Hoàng Đức Hải (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã cùng bạn học của mình cứu sống được 3 mẹ con bị đuối nước nhưng bản thân mình thì mất sức và tử nạn.
Trước đó nữa, năm 2017, báo chí cũng đã đăng tin về những thanh niên trẻ cứu thoát hàng trăm người bị trôi dạt trên biển ở Khánh Hòa. Hay vụ một thanh niên cứu nhiều người khỏi nguy cơ chết đuối tại TP Hồ Chí Minh trước đây và cũng bị tử nạn khi nhường áo phao cho một phụ nữ mang thai.
Những việc làm "cực thiện" trên của nhiều thanh niên ấy chắc chắn có những tác động không nhỏ đến nhận thức trong một bộ phận giới trẻ. Nhưng đáng tiếc, các hành động, việc làm ấy lại chưa được nhân rộng và cũng không phải được biết đến nhiều như những tin tức về các vụ án man rợ, được đăng tải rất nhiều mỗi khi có vụ việc đó xảy ra. Và đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến tội ác ngày càng nhiều mà việc thiện thì được thấy ít trong xã hội ta.
Mạnh Quân