Những hồ chứa "bất an"
(Dân trí) - Cuối tuần trước, sự cố vỡ hồ chứa bùn thải titan ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận khiến một khối lượng lớn bùn đỏ tràn ra ngoài, làm rối loạn, tắc nghẽn giao thông khu vực, gây những hậu quả môi trường khó đo đếm được lại đang làm dấy lên lo lắng của hàng vạn hộ dân không chỉ ở dự án này mà ở hàng loạt dự án tương tự ở nhiều tỉnh, thành phố.
Đầu tháng 2 năm nay, tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, đã có vụ bục đường ống dẫn nước dư (có chứa chất xút, vượt ngưỡng cho phép) của hồ bùn đỏ của Nhà máy Alumin thuộc Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, đơn vị quản lý Tổ hợp Bôxit – Nhôm Lâm Đồng.
Trước đó chỉ 1 tháng (1/2016), đã có vụ vỡ bể chứa bùn thải chì, kẽm của Công ty TNHH CKC (thị trấn Pác Miều, Bảo Lâm, Cao Bằng) khiến hàng ngàn m3 bùn thải độc hại tràn vào nhà dân, ruộng vườn của họ, và chảy ra sông Gâm đến nay ở đây vẫn còn phải khắc phục hậu quả.
Trước đó nữa, tháng 10/2014, cũng ở Tổ hợp Bôxit Nhôm Lâm Đồng đê quai hồ thải quặng đuôi số 5 nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai cũng đã bị vỡ. Một khối lượng lớn bùn đất màu đỏ bị tràn ra ngoài khiến hàng ngàn m2 ao cá, vườn chè của người dân địa phương đã bị vùi lấp. Đến nay, nhiều khu vực vẫn còn bỏ hoang vì chưa khắc phục hết ô nhiễm.
Đây mới chỉ là một vài sự cố gần nhất. Nếu liệt kê đầy đủ trong 5 năm trở lại đây, chắc số sự cố về vỡ hồ chứa các chất thải, nước thải độc hại từ các dự án công nghiệp, khai khoáng sẽ dài hơn 2 trang giấy. Hầu như, các vụ vỡ hồ chứa, đường ống dẫn chất thải đó đều đã gây nên những hậu quả tai hại cho môi trường, làm đảo lộn sinh hoạt, đời sống của người dân trong các khu vực.
Ở cả những dự án đã được đầu tư rất lớn, phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, qui chuẩn an toàn nghiêm ngặt, đã được Quốc hội thông qua như các dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên, đã có những cam kết đảm bảo tuyệt đối sẽ không vỡ đập. Thế nhưng sự cố vẫn xảy ra. Dù qui mô vỡ đập chưa lớn, chưa gây chết người nhưng những hậu quả bước đầu cũng không thể coi là nhỏ.
Một báo cáo trong tháng 3/2016 của Công ty Nhôm Lâm Đồng cho biết, nguồn nước quanh hồ bùn đỏ bôxit Tân Rai, Bảo Lâm, Lâm Đồng đã bị ô nhiễm. Các thông số quan trắc cho thấy nồng độ Fe (sắt) và Mn (mangan) vượt ngưỡng cho phép từ 1,4-2,8 lần. Hàng trăm hộ dân trong khu vực đã không thể dùng được nước giếng để ăn uống, tắm giặt. Những người dân ở đây đã nghèo, lại phải bỏ tiền hàng triệu đồng để mua máy lọc nước mới có nước an toàn để dùng.
Một thống kê khác cho thấy có hàng ngàn ha ao hồ quanh các dự án nhà máy chế biến bôxít ở các tỉnh Tây Nguyên nay đã không nuôi thả được cá vì ô nhiễm, do rò rỉ nước thải, chất thải từ các khu vực chứa "bùn đỏ".
Tất cả đã và đang cho thấy, có một nỗi bất an, ngày một lớn cho hàng vạn, hàng triệu người dân sống trong các vùng có các hồ, đập chứa chất thải, bùn thải, nước thải... của các nhà máy công nghiệp, các dự án khai khoáng quy mô lớn nhưng qui chuẩn, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường đã có nhiều dấu hiệu bị vi phạm.
Sự cố vỡ hồ chứa bùn thải titan ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận cũng rất tiêu biểu cho tình trạng này khi sau sự cố, người ta đã phát hiện ra Chủ đầu tư: Công ty Tân Quang Cường đã có hàng loạt vi phạm: xây dựng trái phép trạm bơm; đắp đập ngăn dòng Suối Giêng trái phép để tích nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; khai thác titan trái phép ở nhiều khu vực với tổng diện tích tác động trên 10 ha...
Phải chăng các sự cố vỡ hồ, đập nguy hại đó ngày càng dày thêm, mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn do chưa có một đơn vị nào bị xử lý tương xứng với hành vi vi phạm đã gây ra? Và dường như, cả một hệ thống giám sát ở địa phương với các dự án gần như không hoạt động để liên tục xảy ra các sự cố như vậy. Có những dự án đòi hỏi độ nghiêm ngặt về an toàn hồ đập rất cao như các dự án bô xít cũng đã xảy ra sự cố không chỉ một lần.
Do đó, có thể nói, sau sự cố mới nhất xảy ra, mối lo sau này, khi qui mô chứa nước thải, bùn thải từ các dự án khai khoáng lớn, nhất là các dự án bôxit trở lên quá lớn mà việc chấp hành các qui định về an toàn hồ đập yếu kém như vậy thì nguy cơ xảy ra sự cố sẽ ngày càng lớn. Những sự cố vỡ hồ, đập gần đây, hậu quả chưa phải quá nghiêm trọng , nhưng thực sự đã là những tín hiệu cảnh báo cho một nguy cơ tiềm ẩn như vậy.
Mạnh Quân