Người dân chờ đợi điều gì nhất ở Bộ trưởng Trần Hồng Hà?

(Dân trí) - Điều người dân chờ đợi nhất ở Bộ trưởng Hà là “kiên quyết nói “không” với những dự án đầu tư sản xuất không sạch, lãng phí tài nguyên, có tiềm năng gây thảm họa môi trường” như lời ông nói. Hãy kiên quyết nói không với những dự án gây ô nhiễm môi trường, chúng ta không đổi sức khỏe và mạng sống của mình và của cháu con lấy những đồng tiền gây ô nhiễm.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Xung quanh thảm họa về môi trường ở Hà Tĩnh vừa qua, dù còn nhiều những ý kiến khác nhau và rất nhiều những vấn đề cần được giải quyết, khắc phục, song, không thể không ghi nhận những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường và các cơ quan liên quan trong việc xác định nguyên nhân, tìm ra thủ phạm để công bố với nhân dân như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nói nỗ lực rất lớn là bởi mấy lý do.

Thứ nhất, sự việc nghiêm trọng xảy ra chỉ ít ngày sau nhiệm kỳ mới của Chính phủ với bộn bề công việc.

Thứ hai, đây là lĩnh vực rất mới mẻ, nhất là đối với nền khoa học của Việt Nam ta.

Thứ ba, sức ép từ yêu cầu nóng bỏng của dư luận đòi hỏi phải có câu trả lời nhanh nhất.

Thứ tư, Formosa là một tập đoàn lớn, họ có những chuyên gia rất giỏi, thậm chí cực giỏi, nguồn tài chính lại rất dồi dào nên “kết tội” họ không hề dễ. Nếu không có những bằng chứng không thể chối cãi, hoàn toàn có thể “thua trận” dù chân lý thuộc về chúng ta.

Và khi đó, hậu quả sẽ khôn lường.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ: “Ba tháng vừa qua là 84 ngày căng thẳng nhất của tôi. Trong tôi luôn nặng trĩu trách nhiệm trước đòi hỏi chính đáng của người dân: Nguyên nhân sự việc là gì? Đây là sự việc nghiêm trọng lần đầu xảy ra đối với tôi và cả Chính phủ”.

Trong bài phỏng vấn của báo Dân trí mới đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời khá đầy đủ từ việc tìm ra nguyên nhân, thủ phạm gây ô nhiễm đến việc khắc phục hậu quả… và cần phải làm gì và làm như thế nào để thảm họa trên không tái diễn.

Đối với Formosa, Bộ trưởng Hà cho biết ngoài việc đền bù, họ phải cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối, nếu để xảy ra tình trạng tương tự, sẽ phải đóng cửa.

Về phía Bộ Tài nguyên & Môi trường và các cơ quan liên quan, tăng cường chức năng giám sát mọi lúc, mọi nơi và trang bị hệ thống cảnh báo hiện đại trên tinh thần “không nhân nhượng”.

Về hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Hà cho biết “chúng ta đã có một hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường khá chặt chẽ, đủ để răn đe và trừng phạt đối với mọi tổ chức, cá nhân xâm hại đến môi trường”.

Song, ông Hà cũng thừa nhận “trong hệ thống luật pháp này còn một số lỗ hổng, nhưng điều đó sẽ được khắc phục nhanh chóng trong thời gian tới”.

Bộ trưởng Hà thẳng thắn đề xuất: “Về đầu tư, tôi cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần xác lập quan điểm: Đầu tư theo hướng bền vững. Nghĩa là, phải xác lập một hệ thống các tiêu chí ưu tiên cho các dự án đầu tư, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Chúng ta cần phải kiên quyết nói “không” với những dự án đầu tư sản xuất không sạch, lãng phí tài nguyên, có tiềm năng gây thảm họa môi trường. Trên thực tế, có những sự cố môi trường khi đã xảy ra, thì không thể khắc phục được. Cho nên Nhà nước cũng phải thay đổi quan điểm trong vấn đề đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường”.

Những chia sẻ của Bộ trưởng Hà với báo Dân trí được đông đảo độc giả quan tâm, ủng hộ. Đã có hàng trăm thư điện tử (comment) từ bạn đọc gửi về tòa soạn bày tỏ sự đồng tình, động viên, khích lệ. Bạn đọc Nguyễn Duy Thái viết: “Hoan nghênh Bộ trưởng Hà. Đưa formosa ra ngoài ánh sáng là một thành công rất lớn của Đảng và Nhà nước nói chung. Của bộ Tài nguyên Môi trường nói riêng! Vấn đề này rất nhạy cảm. Không phải cứ nói đưa là đưa được. Cần phải có chứng cứ xác đáng…”.

Tóm lại, điều người dân chờ đợi nhất ở Bộ trưởng Hà là “kiên quyết nói “không” với những dự án đầu tư sản xuất không sạch, lãng phí tài nguyên, có tiềm năng gây thảm họa môi trường” như lời ông nói.

Hãy kiên quyết nói không với những dự án gây ô nhiễm môi trường, chúng ta không đổi sức khỏe và mạng sống của mình và của cháu con lấy những đồng tiền gây ô nhiễm.

Bùi Hoàng Tám