Lan man chuyện “hàm” nơi nghị trường Quốc hội

(Dân trí) - Chẳng biết nhiều “hàm”, nước dân có được “lợi” hay lắm “hàm” thì nhiều “răng” mà nhiều “răng” thì “nhai khỏe”, lỡ đâu lại "ăn của dân không từ một thứ gì” thì lo lắm, các bạn nhỉ?

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường sáng ngày 17/11 đã “nổ tung” xung quanh màn truy gắt của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình về cấp bậc "hàm" trong hệ thống cán bộ.

Trước hết, về từ “hàm”, theo Từ điển Tiếng Việt, “hàm” là cách gọi tắt của “hàm số” trong toán học. “Hàm” còn là nơi chứa răng trong miệng của người hay động vật.

Thế nhưng chẳng hiểu từ bao giờ, “hàm” trong tiếng Việt lại có thêm một nghĩa mới, đó là một chức tước không quân, không ghế, không trách nhiệm, không được qui định trong pháp luật… mà mục đích chính của việc này là để hưởng chế độ, tức là có “bổng lộc” và "giải quyết khâu oai".

Bức xúc trước việc này, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ:  “Việc quy định chức danh hàm bộ trưởng,  hàm bộ phó (thứ trưởng - NV) có đúng luật không? Thời gian tới sẽ giải quyết thế nào? Địa phương họ bảo Chính phủ làm được thì địa phương cũng làm được, tức là sẽ có hàm trưởng phòng, hàm phó phòng để giải quyết chế độ cho anh em. Tôi có gửi câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời tới 4 trang nhưng tìm mãi tôi không thấy chỗ sai, như vậy chắc là đúng, nếu thế thì chắc là địa phương cũng làm được có đúng không?”

Trong phần giải thích khá mập mờ, khó hiểu, lan man… Bộ trưởng Bình phân trần: “Chúng tôi cũng đã báo cáo, tính đến thời điểm hiện nay các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa có văn bản nào quy định về cấp "hàm" đối với một số cơ quan tổ chức, đơn vị và đối với một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức”. Ông Bình nói.

Lạ! Nước mình nhiều sự rất lạ. Một việc làm mà cụ thể ở đây là một chức danh không được qui định trong bất cứ một văn bản nào tức là một chức danh “trái pháp luật”, một dạng “hàng giả”, “hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ” nhưng nó vẫn tồn tại mà tồn tại từ lâu, rất lâu.

Không biết hiện, con số “hàm” này là bao nhiêu, chỉ biết cách đây tròn một năm (ngày 18/11/2014), cũng tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 Bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan Chính phủ, hiện có 329 công chức, viên chức đang được vận dụng hưởng chế độ hàm chức danh quản lý, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên. Trong đó, hưởng chế độ hàm vụ trưởng là 96 trường hợp, vụ phó là 150, trưởng phòng là 76 người và phó phòng là 17 người.

Chao ôi! Hết “loạn cấp phó”, giờ lại thêm “loạn hàm”.

Chợt nghĩ cái định nghĩa “Hàm là nơi chứa răng trong miệng của người và động vật” trong Từ điển Tiếng Việt có lẽ chưa đủ.

“Hàm” ngoài “răng” còn có “lợi”.

Chẳng biết nhiều “hàm”, dân - nước có được “lợi” hay lắm “hàm” thì nhiều “răng” mà nhiều “răng” thì “nhai khỏe”, lỡ đâu lại "ăn của dân không từ một thứ gì” thì lo lắm, các bạn nhỉ??

Bùi Hoàng Tám