Không thu hồi được tiền thì chống tham nhũng thất bại
(Dân trí) - Cơ quan thi hành án dân sự vừa ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án số tiền hơn 1.000 tỉ đồng vì xác nhận người phải thi hành án trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn tàu thủy Việt Nam Vinashin không còn điều kiện thi hành án.
Trong hơn 1.000 tỉ đồng đó, cựu Chủ tịch Vinashin có 500 tỉ đồng nhưng chưa thi hành án được đồng nào. Xác minh tài sản thì coi như tay trắng, muốn thu hồi cũng không biết lấy gì để thu hồi.
Tham nhũng là quốc nạn, phát hiện được tham nhũng rất khó, phá được án tham nhũng cũng rất khó, xét xử để kết án cũng rất khó. Cuối cùng, bỏ tù kẻ tham nhũng nhưng thu hồi được tài sản tham thũng lại khó trăm bề.
Bắt được tham nhũng mà không thu được tiền tham nhũng về cho nhà nước thì coi như thất bại. Tuyên án, bắt bồi thường hàng trăm tỉ đồng, nhưng bị án không đền một xu. Người ta nghĩ rằng, đã vào tù rồi coi như bỏ, dại gì ôm tiền đem nộp, thà để cho vợ con hưởng. Hy sinh đời bố, củng cố đời con là vậy.
Cơ quan thi hành án dân sự đưa ra biện pháp thu hồi bằng cách động viên người thân các lãnh đạo Tập đoàn Vinashin và chính những người này thực hiện nghĩa vụ thi hành án, nộp tiền hoặc cung cấp thông tin về tiền, tài sản đang ở đâu. Cách này xem ra phiêu lưu, bởi vì nếu như gia đình họ có ý định nộp tiền thi hành án thì họ đã thực hiện, một biện pháp không chắc ăn thành công. Đã là động viên thi làm cũng được không làm cũng chẳng sao.
Từ chuyện này mới thấy kẻ hở của việc kê khai tài sản cán bộ. Mới đây, cả triệu người kê khai tài sản, chỉ có vài trường hợp không trung thực. Đến khi trong số những người kê khai trung thực bị phát hiện tham nhũng tương tự như những cán bộ của Vinashin, thì cơ quan thi hành án bó tay. Tài sản đứng tên của họ chỉ có căn hộ trị giá vài tỉ đồng, lấy gì để thi hành án?
Hỏi ra thì họ nói tài sản của tôi đã kê khai, chỉ có chừng đó thôi và đã được xác minh là trung thực.
Không ai tham nhũng tiền tấn mà dại dột đứng tên, cho nên phải tìm mọi cách để xử lý khối tài sản tham nhũng bằng cách cho người nhà đứng tên và nhiều cách khác. Khi kê khai tài sản, họ chỉ kê khai tài sản của mình đứng tên, thế là cơ quan có trách nhiệm căn cứ vào đó để xác minh và OK. Tại sao không đưa con họ lên để hỏi, mới nứt mắt lấy đâu ra tiền mua biệt thự, lấy đâu ra vốn để đầu tư vào các doanh nghiệp? Không mở rộng kê khai tài sản của người thân và làm rõ nguồn gốc của tài sản đó thì không thể chống tham nhũng tận gốc được.
Chống tham nhũng tận gốc là khi bắt được tham nhũng phải thu hồi được tài sản tham nhũng.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!