Khi đích thân Bộ trưởng ra tay… dọn rác!

(Dân trí) - Bộ trưởng ở đây là Tiến sĩ Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông. Còn rác đây tuy không phải là vỏ bia lon, túi ni lông… nhưng là rác 100%, trong đó, không ít những loại là độc hại mang tên “sim rác – tin nhắn rác”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Sau tròn 1 tháng (28/10-28/11) kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông buộc 5 nhà mạng ký cam kết thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, đã có gần 11 triệu loại sim này bị khóa. Điều đó đồng nghĩa với nhiều, rất nhiều tin nhắn rác bị khống chế bởi sim rác chính là nguồn tiềm năng của tin nhắn rác đã và đang “hành hạ” người dân mỗi ngày.

Có lẽ khó mà kể hết những bực bội do nạn tin nhắn rác gây ra cho những ai sử dụng điện thoại di động. Vừa thiu thiu ngủ, bỗng chuông điện thoại kêu “tít tít”. Nửa đêm, cũng “tít tít”. Nhà có việc cũng “tít tít”. Bực bội nhất là chờ đợi một tin nhắn từ ai đó, bỗng dưng điện thoại reo. Vội vã mở ra, là lời quảng cáo mua bán nhà, đất hay chào bán sim số đẹp…

Đã không ít người viết trên FaceBook của mình lời “thỉnh cầu” đại loại “Tôi có nhà rồi, xin đừng gửi tin nhắn cho tôi”, hoặc “Tôi không có nhu cầu mua số điện thoại, hãy tha cho tôi”…

Người viết bài này đã hơn một lần vô cùng bực tức khi vào lúc nửa đêm, vừa “dỗ dành” mãi mới thiu thiu ngủ thì chuông điện thoại reo. Và chao ôi, lại một tin nhắn rác.

Một người bạn mình từng bực dọc kể chuyện nửa đêm có tin nhắn, bị bà xã “đá đểu”: “Gái nhắn kìa, dậy đi”…

Đây thực sự là một “vấn nạn” như lời của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Vấn nạn này để lại rất nhiều hệ lụy, không chỉ là lãng phí tài nguyên số, không chỉ là ảnh hướng đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp mà nó còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”.

Tin nhắn rác không từ một ai, kể cả… Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ông Tuấn kể: “Tôi vừa rời khỏi VinaPhone thì đã nhận ngay được tin nhắn rác. Chúng ta phải cùng nhau quyết tâm xử lý vấn nạn này. Chúng ta không làm nửa vời, không phải làm theo thời vụ, đó là khi có đoàn thanh tra, kiểm tra thì mới làm. Từ nay sẽ làm quyết liệt, làm thường xuyên. Cục Viễn Thông, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp với các doanh nghiệp thường xuyên thực hiện việc kiểm tra chéo”.

Để trị căn bệnh này, người đứng đầu Bộ Thông tin & Truyền thông đã bắt rất đúng “mạch”.

Thứ nhất, đó là sự quản lý và kiểm soát sim lỏng lẻo của các nhà mạng. Với hàng chục triệu sim rác trôi nổi, việc tin rác hoành hành là tất yếu.

Thứ hai là sự thiếu kiên quyết, “giơ cao, đánh khẽ” của cơ quan chức năng, trong đó có cả vai trò của các cơ quan giúp việc cho lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều này còn khiến dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ rằng, một số nhà mạng là “con” của Bộ Thông tin và Truyền thông và một số nhà mạng khác là doanh nghiệp lớn, liệu Bộ có mạnh tay?

Và lần này, câu trả lời đã rõ. Bộ không chỉ “mạnh tay” mà còn “ra tay” cương quyết xử lý những doanh nghiệp vi phạm một cách lâu dài, không nửa vời, thời vụ.

Công bằng mà nói, việc xử lý sim rác chính là động vào “miếng mồi béo bở” của một số doanh nghiệp vốn là “con” của bộ Thông tin & Truyền thông, tức là “vác đá ghè chân mình”.

Song, không vì lợi ích của một số người mà hi sinh quyền lợi của nhân dân, đó mới là phương cách hành xử đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng chính là một việc làm trong tiến trình xây dựng Chính phủ liêm chính như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Mong rằng Bộ trưởng Trương Minh Tuấn quyết liệt hơn nữa, thẳng tay hơn nữa trong nhiều lĩnh vực còn gây bức xúc cho nhân dân của ngành Bưu chính Viễn thông. Nhất là không để người dân phải trả những khoản “dịch vụ” ngoài ý muốn do “sập bẫy” các doanh nghiệp để rồi mỗi thằng mất đi hàng chục ngàn đồng vô lý, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám