Hình thức xử lý ông Vũ Huy Hoàng “nóng” nghị trường Quốc hội

(Dân trí) - Việc xử lý hành chính ông Vũ Huy Hoàng lại một lần nữa “nóng” trên diễn đàn Quốc hội khi ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: “Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về hình thức xử lý về mặt nhà nước đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng?”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cho đến nay, việc xử lý kỉ luật hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng đang “bế tắc” như trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 11/11 của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Bàn nhiều rồi đấy nhưng bàn chưa ra được”. Lý do, ông Phúc cho rằng vướng mắc ở đây là bởi “tiền lệ pháp luật chưa có quy định nào như thế cả nên bây giờ làm phải đảm bảo đúng pháp lý”.

Không chỉ Quốc hội “bế” mà phía Chính phủ cũng đang “tắc”. Trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết “trong số các phương án được đề xuất, chưa thấy phương án nào nổi lên tối ưu”.

Bộ trưởng Dũng phân tích, nói là kỷ luật nhưng không thể công bố cách chức “nguyên Bộ trưởng” với ông Vũ Huy Hoàng là làm ngay được vì việc này cần phải có cơ sở pháp lý, dựa trên căn cứ pháp luật cụ thể. Nhất là với một người đã nắm giữ chức vụ trong cả một nhiệm kỳ liên quan đến rất nhiều việc.

Ông Dũng dẫn chứng: “Ví dụ, bây giờ nói là cách chức Bộ trưởng Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2011-2016 với ông Vũ Huy Hoàng thì tính pháp lý của tất cả những văn bản người ấy đã ký, ban hành suốt thời gian đó thế nào, còn tư cách Bộ trưởng không?”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng còn cho biết, một điểm vướng mắc khác là về vấn đề thẩm quyền xử lý bởi theo quy định, chức vụ Bộ trưởng do Thủ tướng giới thiệu nhưng việc phê chuẩn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, việc bổ nhiệm sau đó lại thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Khi tiến hành kỷ luật, theo nguyên tắc, ai bổ nhiệm người đó có quyền cách chức mà hiện giờ cả người bổ nhiệm và người được phê chuẩn, bổ nhiệm (ông Vũ Huy Hoàng) đều đã nghỉ công tác.

Có một ý kiến đáng suy ngẫm, đó là của nguyên Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội Vũ Mão. Ông Mão cho rằng “Văn phòng Quốc hội cũng rất lúng túng” vì việc xử lý đối với ông Vũ Huy Hoàng phải đúng theo qui định của pháp luật.

Trong khi đó, “theo Hiến pháp, các quy định pháp luật của chúng ta hiện nay chưa có quy định về việc kỷ luật một vị đã từng là Bộ trưởng, do Quốc hội phê chuẩn mà giờ đã thôi, không còn chức vụ đó nữa chứ chưa nói đến hình thức “cách chức”. Mà đã chưa có quy định pháp luật thì không thể làm được và cũng không nên làm thế”. Ông Mão nói.

Có lẽ vì thế, vị đại biểu đã từng nhiều năm làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt vấn đề “ở đây phải xem xét trên tinh thần, thứ còn lại với mỗi con người, cao nhất là danh dự”.

Nói ý kiến của ông Vũ Mão “đáng suy nghĩ” bởi đây là hình thức xử lý giàu cảm tính mà “ít” cần đến tính pháp lý nhất, dễ thực thi nhất và danh dự cũng là “cao nhất” đối với mỗi con người.

Thế nhưng, chả lẽ với những vi phạm “gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công thương… gây bức xúc trong xã hội” như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mà chỉ “đánh” vào “danh dự” thì có gì đó chưa thỏa đáng.

Vả lại, “danh dự” chỉ cao quý đối với những ai biết coi trọng nó, còn giả sử ngược lại, thì “danh dự” có đáng giá gì?

Có lẽ chính vì thế, trả lời chất vấn tại nghị trường, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định dù đây là việc khó, chưa có tiền lệ, song chắc chắn sẽ có biện pháp, không có chuyện hạ cánh an toàn. Điều này thể hiện quyết tâm cả với những người đang công tác hoặc nghỉ hưu, tạo cơ sở cho những trường hợp sau nếu xảy ra.

Mong rằng sẽ có hình thức xử lý hợp lý, hợp tình nhưng cũng hợp lòng dân, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám