Hạnh phúc vì được kỷ luật như... khuyến khích, động viên
(Dân trí) - Trong mấy tuần qua, đọc báo thôi, nhiều độc giả chắc không khỏi ngỡ ngàng vì có những vụ việc dư luận bức xúc cao độ mà cuối cùng, các hình thức xử lý với người có hành vi sai phạm cứ như thể, người ra quyết định xử lý muốn… chia sẻ, động viên với người bị xử lý.
Thật vậy, mới nhất là vụ việc tại tỉnh Hà Tĩnh, như Dân trí đã đưa tin, hồi tháng 2 vừa qua, Thượng úy Công an Phạm Cao Hoàng đã lái xe, sử dụng biển giả gây tai nạn chết người. Nếu bình thường ra, đúng pháp luật thì người gây tai nạn có thể bị khởi tố về hành vi này.
Nhưng không, Thượng úy Phạm Cao Hoàng đã được nhận hình thức kỷ luật khá êm ái: Giáng bậc quân hàm và điều chuyển công tác sang vị trí khác.
Một chuyện khá hài hước tương tự cũng xảy ra cuối tuần trước (ngày 23/5) là ông Lư Thành Đồng, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ, bị cảnh cáo về mặt Đảng và cách chức do để xảy ra một vụ việc tham nhũng tại cơ quan, thiếu kiểm tra, giám sát để cấp dưới vi phạm (các cán bộ, nhân viên liên quan đã bị ra tòa, phạt tù) lại được lãnh đạo tỉnh bổ nhiệm làm Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất của tỉnh Cần Thơ.
Ông Lư Thành Đồng thực sự là may mắn với mức kỷ luật trên.
Đã thế, tại cuộc họp công bố quyết định bổ nhiệm chức vụ mới cho người vi phạm, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ còn có lời động viên, rất “tình cảm” dành cho ông này: Mong ông Lư Thành Đồng tại cương vị mới có thể tiếp tục phát huy vai trò của người lãnh đạo, tập hợp nguồn nhân lực, đưa đơn vị phát triển, đóng góp cho thành phố.
Với những trường hợp như Thượng úy Phạm Cao Hoàng, như ông Lư Thành Đồng, người ta sẽ hiểu rằng, đến một lúc nào đó, họ hoàn toàn lại có thể được bổ nhiệm trở lại chức vụ cũ, hoặc thậm chí được đề bạt, bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn, khi dư luận đã quên "chuyện cũ".
Bởi đó là câu chuyện đã từng xảy ra ở nơi này, nơi khác mà ví dụ điển hình nhất mà gần đây báo chí có phát hiện là Thượng tá Võ Đình Thường, Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai.
Qua một vụ việc gần đây, báo chí, cư dân mạng xã hội bất ngờ phát hiện ông Thường chính là Đại úy Võ Đình Thường, người đã bị kỷ luật cách chức đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông tuyến quốc lộ 1A (thuộc Phòng cảnh sát giao thông) và đưa ra khỏi lực lượng CSGT do liên quan trực tiếp đến vụ mãi lộ tại Dầu Giây năm 2003.
Sau đó, ông này được đưa về Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và liên tục được bổ nhiệm qua nhiều chức vụ, vị trí khác nhau và đến năm 2015 đã trở lại Phòng Cảnh sát giao thông của tỉnh với chức vụ cao hơn thời điểm bị kỷ luật.
Hay vừa qua, một loạt cán bộ ngành giao thông vận tải bị cách chức trong nhiệm kỳ Bộ trưởng trước của Bộ Giao thông Vận tải vừa qua được phục chức. Như ông Nguyễn Viết Hiệp, nguyên Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội từng bị mất chức liên quan dự định mua lô tàu đã qua sử dụng của Trung Quốc hồi đầu năm 2016 đã vừa được khôi phục chức vụ từ 1/1/2018.
Một trường hợp khác gây dị nghị: Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm Hàng hải miền Nam cũng bị mất chức do không đạt nhiều điều kiện, tiêu chuẩn khi bổ nhiệm nhưng sau đó cũng được trở lại chức vụ cũ một cách khó hiểu.
Chao ôi, có sai phạm, có khuyết điểm, yếu kém mà cứ được luân chuyển, bổ nhiệm đi bổ nhiệm lại, thăng thưởng thì chẳng ai sợ bị kỷ luật nữa. Các ví dụ như trên và còn rất nhiều trường hợp khác, không thể kể ra hết ở đây cho thấy, với không ít người, có vẻ như bị kỷ luật lại là một dịp được luân chuyển rồi đến lúc cơ cơ hội tốt, không chỉ được trở lại nơi cũ mà còn trở lại với chức vụ cao hơn.
Thế thì gọi là bị kỷ luật nhưng có thể nói đó lại là cơ hội, là được khuyến khích. Chẳng có gì gọi là bị xử lý, hay để răn đe người khác ở đây hết cả.
Mạnh Quân