Hà Nam: Hám lợi nhuận khủng, “cát tặc” vẫn liều mình khai thác

(Dân trí) - Vì lợi nhuận khủng đem lại từ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông nên “cát tặc” vẫn liều lĩnh lộng hành hút cát trộm trên các dòng sông. Đặc biệt là tại những khu vực giáp ranh giữa tỉnh này và tỉnh kia, khiến cho lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xử lý.

“Cát tặc” lộng hành ở địa bàn giáp ranh

Để thực hiện hành vi hút cát trái phép, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện những tàu hút cát ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi thiết kế bộ phận giảm thanh để giảm thiểu tiếng ồn trong lúc vận hành hút cát, cắt cử người canh gác và chỉ hoạt động vào đêm tối, hút cát tại những địa bàn giáp ranh các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình khi có động thì điều khiển tàu bỏ chạy sang địa bàn tỉnh khác…

Sáng 26/4, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam phát hiện tàu mang số hiệu HY – 0206 có tải trọng 130 tấn đang hút cát trái phép trên sông Hồng thuộc địa phận xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam (ảnh: Công an Hà Nam)
Sáng 26/4, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam phát hiện tàu mang số hiệu HY – 0206 có tải trọng 130 tấn đang hút cát trái phép trên sông Hồng thuộc địa phận xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam (ảnh: Công an Hà Nam)

Vào đêm ngày 17/4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Hà Nam đã bắt quả tang Nguyễn Tiên Biển (SN 1973) đang điều khiển tàu hút cát trái phép trên sông Châu thuộc địa phận xóm 10, thôn Nhân Tiến, xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, Hà Nam.

Chủ tàu được xác định là Trần Tiến Tới (SN 1977) trú tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Theo lời khai, lợi dụng địa bàn xa trung tâm, Tới thuê Biển điều khiển tàu không số hiệu thực hiện hành vi hút cát trái phép trên sông Châu. Tại hiện trường, lực lượng Công an đã thu được 3 đầu máy để sử dụng vào việc hút cát và hơn 8m3 cát.

Theo Ông Hoàng Văn Cúc, Phó chủ tịch UBND xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam, một địa phương bị “cát tặc” liên tục hỏi thăm cho biết, vào năm 2015, toàn xã Mộc Bắc đã bị sạt lở mất hơn 1 ha đất bồi ven sông do tình trạng khai thác trái phép gây ra.

Ông Cúc cũng cho biết thêm, giá mỗi khối cát hút được bán khoảng 60 nghìn đồng, đối với các tàu từ 200 đến 300 khối, nếu chỉ trong khoảng 3 giờ hút, mỗi tàu kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Chính vì thu nhập khủng này mà các chủ tàu ngày càng liều lĩnh và bất chấp chính quyền địa phương.

Tình trạng khai thác cát trái phép làm nhiều diện tích đất bồi ven sông (đoạn sạt lở ở xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân)
Tình trạng khai thác cát trái phép làm nhiều diện tích đất bồi ven sông (đoạn sạt lở ở xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân)

Theo thông tin từ Công an tỉnh Hà Nam, chỉ trong tháng 4/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 10 vụ khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Hồng và sông Châu Giang, phạt tiền hơn 135 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Mới nhất, vào sáng 26/4, Tổ công tác của Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam phát hiện tàu mang số hiệu HY – 0206 có tải trọng 130 tấn do Trần Văn Dương, Đỗ Văn Hoài, Trần Văn Đông, đều trú ở Hà Nam và Trần Văn Sáu, trú ở Võ Lao, Chương Mỹ, Hà Nội đang điều khiển tàu, thực hiện hành vi hút cát trái phép trên sông Hồng thuộc địa phận xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện tàu đã hút được hơn khoảng 20m3 cát.Bước đầu đấu tranh các đối tượng đã khai nhận mình làm thuê cho chủ tàu có tên là Sơn ở thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Do lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa 2 tỉnh Hưng Yên và Hà Nam, các đối tượng thường tổ chức hút cát trái phép trong đêm nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng

Theo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam cho biết, do lợi nhuận từ việc hút cát trái phép rất lớn, mỗi chuyến có thể lên đến cả chục triệu đồng, thậm chí là vài chục triệu cho nên các đối tượng thường bất chấp các quy định cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để hoạt động hút cát trái phép. Chúng thường chọn thời điểm lúc đêm khuya hay khi thời tiết xấu lập tức cho các vòi hút cát hoạt động”.

Nhiều bến bãi không phép... tiếp tay nạn hút cát trái phép

Thực trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, sông Châu Giang (đoạn qua tỉnh Hà Nam) những năm qua diễn ra rất phức tạp, tình trạng này đã và đang gây sạt lở bờ sông, đất sản xuất của người dân khiến họ vô cùng bức xúc. Một trong những nguyên nhân khiến “cát tặc” ngày càng lộng hành phải nói đến đó là hoạt động của các bến bãi vật liệu xây dựng là nơi tiếp tay tiêu thụ sản phẩm của “cát tặc”.

Theo ước tính, tại huyện Lý Nhân và huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam có đến hơn 30 bến, bãi đang đang hoạt động kinh doanh cát và các loại vật liệu thông thường.

Để giải quyết tình trạng này, ngày 27/3 UBND tỉnh Hà Nam ban hành công văn số 728 về tăng cường, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sông.

Một số bến bãi vật liệu nằm ven bờ sông ở địa bàn tỉnh Hà Nam
Một số bến bãi vật liệu nằm ven bờ sông ở địa bàn tỉnh Hà Nam

Đồng thời tỉnh Hà Nam cũng ra nhiều văn bản yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh siết chặt hoạt động cấp phép bến thủy nội địa, các bến bãi vật liệu xây dựng khai thác cát ven sông.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết quý I/2017, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các huyện, thành phố, cùng với các ngành chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý nạn "cát tặc'' trên địa bàn.

Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp bến bãi hoạt động không phép tiếp tay tiêu thụ cát của các đối tượng khai thác trái phép gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và sạt lở đê điều....

Đức Văn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm