Người đàn ông bị đánh chết do nghi là “yêu râu xanh”: Nhiều tình tiết cần làm sáng tỏ

(Dân trí) - Người đàn ông tại Hải Dương bị đánh chết do bị nghi là “yêu râu xanh”. Hung thủ đã ra đầu thú. Ở góc độ luật pháp, luật sư cho rằng cần xem xét kỹ sự việc và động cơ gây án của hung thủ.

Gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc một người đàn ông đã đứng tuổi ở Hải Dương bị đánh chết do hung thủ tưởng nhầm nạn nhân thực hiện hành vi hiếp dâm với cô gái trẻ. Một sự việc hết sức hy hữu và có nhiều vấn đề cần phải được làm rõ, để có thể truy tố đúng người, đúng tội.

Như Dân trí đã đưa tin, vào khoảng đầu năm 2016, ông M đặt vấn đề quan hệ tình cảm với cô gái trẻ làm cùng xưởng và được P (18 tuổi, quê Hải Dương) đồng ý. Sau lần đầu quan hệ, ông M. cho P 100.000 đồng. Kể từ hôm đó, P lén lút quan hệ tình cảm với người đàn ông đã có vợ.

Sáng 6/5,ông M “nhá” nháy rủ P. ra ngoài, đến khu vườn chuối trên địa bàn xã Phương Hưng, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Đúng lúc ấy, Đinh Quang Tặng (36 tuổi, trú tại thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc) vô tình đi qua, chứng kiến và cho rằng ông M có hành vi xấu với P nên anh ta đã xông vào đấm đá liên tiếp vào mặt, vào đầu khiến ông M tử vong. Sau khi gây án, Tặng đã chở em P đến cơ quan Công an để tự thú.

Hiện CQĐT Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định tạm giữ hình sự Đinh Quang Tặng về hành vi giết người.

Bình luận về vụ việc Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dựa trên tình tiết vụ việc, tội danh phù hợp dành cho Tặng là tội “Giết người”, dù có nhầm lẫn hay không, bởi xét về cấu thành tội phạm của tội Giết người thì hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác của Đinh Quang Tặng đã hoàn thành.

Đinh Quang Tặng tại CQĐT
Đinh Quang Tặng tại CQĐT

“Theo hiến pháp nước ta đã nêu rõ mỗi cá nhân đều có quyền sống, không ai có quyền tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Tặng đã tước đoạt tính mạng của ông M, tước đi quyền sống - quyền cao nhất của mỗi con người đối với ông M bằng chính hành vi sử dụng vũ lực liên tiếp vào những vị trí hiểm yếu trên cơ thể ông M. Chính vì vậy, Tặng cần phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông M. Tuy nhiên, để có thể đưa ra kết luận khách quan và chính xác nhất, cơ quan điều tra cần phải xác minh hết sức kỹ lưỡng các tình tiết trong vụ án, không thể chỉ dựa vào lời khai của nghi can để buộc tội” – ông Hòe nói

Ông Hòe cũng cho rằng có những vấn đề, tình tiết cần phải làm sáng tỏ trong vụ án hy hữu này.

Cụ thể, cần phải xác định về mặt lỗi, của cả nạn nhân cũng người người gây án hồ sơ, người gây án là Đinh Quang Tặng tự thú rằng do tưởng ông M hiếp dâm P nên mới lao vào đánh ông M nhằm mục đích cứu P thoát khỏi “yêu râu xanh”. Như vậy, cơ quan điều tra cần phải làm rõ liệu rằng ông M có thực hiện các hành vi xâm hại tình dục đối với em P dẫn tới việc khiến Tặng hiểu lầm đó là hiếp dâm hay không? Để làm rõ về tình tiết này thì đồng thời cơ quan điều tra cũng cần tiến hành xác định rõ lỗi của Tặng. Theo lời của Tặng thì lỗi của đối tượng này là vô ý, do tưởng nhầm ông M xâm hại tới em P nên mới đánh ông M chứ không phải cố ý.

Tuy vậy, cần yêu cầu Tặng làm rõ, xuất phát từ nguyên nhân nào dẫn tới việc Tặng cho rằng ông M hiếp dâm P? Tại thời điểm mà Tặng phát hiện ra sự việc thì ông M có hành vi dùng vũ lực đối với P hay không? P có la hét, cầu cứu, phản kháng hay không? Bởi tại địa điểm đó, theo như lời khai của Tặng là ông M và P “tâm sự” với nhau ở vườn chuối cạnh xưởng sản xuất hương nơi ông M và P đang làm việc chứ không phải là ở nơi đông đúc hay thoáng đãng, dễ phát hiện. Nạn nhân M đã chết nên rất khó để đối chứng, cơ quan điều tra cần phải thu thập lời khai của Tặng, của P cũng như các chứng cứ của vụ án để làm sáng tỏ.

Tiếp theo, cần phải làm rõ về động cơ, mục đích phạm tội của Tặng. Theo tôi, để làm sáng tỏ được liệu Tặng có động cơ, mục đích phạm tội hay không, cần làm rõ mối quan hệ giữa Tặng, P và ông M, họ có quen biết trước đó hay không? Đã từng có mâu thuẫn gì với nhau hay không? Làm rõ mối quan hệ của những người này sẽ góp phần không nhỏ vào việc xác định động cơ, mục đích phạm tội.

Thêm vào đó, cần phải làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án. Cụ thể, khi phát hiện ông M và P, cứ coi như Tặng thấy ông M quan hệ với P và tưởng nhầm ông M hiếp dâm P nên lao vào cứu P thoát khỏi ông M thì khi đó ông M có phản kháng không, có tấn công lại Tặng không? Động cơ nào dẫn đến việc Tặng tấn công liên tiếp vào vùng đầu, vùng mặt và vùng bụng của nạn nhân (đều là những vị trí hiểm yếu trên cơ thể) dẫn đến việc ông M tử vong.

“Theo tôi, nhất thiết phải làm rõ động cơ phạm tội của Tặng để có thể buộc tội một cách chính xác nhất. Nếu chỉ đơn giản là hành động bột phát, thấy chuyện “bất bình” nên đã vào cứu người, ngăn cản hành vi mình cho là phạm pháp đang diễn ra thì có nhất thiết phải sử dụng vũ lực một cách “quá tay” vào những vị trí hiểm yếu trên cơ thể, có khả năng dẫn tới chết người như bụng, đầu, mặt như vậy không?”- Luật sư Hòe phân tích.

Người đàn ông bị đánh chết do nghi là “yêu râu xanh”: Nhiều tình tiết cần làm sáng tỏ - 2

Cũng theo Luật sư, cần phải làm rõ, tại thời điểm Tặng lao vào “cứu” P và đánh liên tiếp vào ông M như vậy, P cũng có mặt ở đó, có can ngăn, giải thích với Tặng không, vì theo như tôi được biết thì P đồng ý quan hệ với ông M? Nếu P có can ngăn, giải thích với Tặng rằng không phải ông M có hành vi xấu đối với mình thì lúc đó Tặng có ngay lập tức chấm dứt hành vi sử dụng vũ lực đối với ông M hay không hay vẫn cố tình đánh liên tiếp vào ông M dẫn đến ông M tử vong? Nếu Tặng biết là nhầm mà vẫn cố tình đánh ông M thì theo tôi, cần phải cho đây là tình tiết tăng nặng, thể hiện sự cố ý tước đoạt tính mạng của ông M cho đến cùng của Tặng. Còn nếu tại thời điểm đó, chính P cũng không can ngăn và để mặc cho Tặng đánh “người tình” của mình thì cần làm rõ nguyên nhân, đồng thời làm rõ cô gái này có quan hệ gì với Tặng hay không?

Thực ra, việc nhầm lẫn không phải là không thể xảy ra, bởi lẽ ông M cũng đã đứng tuổi (52 tuổi), trong khi P mới chỉ có 18, còn khá trẻ, dễ khiến người ngoài nhìn vào theo chiều hướng tiêu cực. Ở đây không loại trừ khả năng Tặng có quen biết với nạn nhân và cô gái, việc lao vào đánh ông M là có chủ đích chứ không phải nhầm lẫn, vô tình như Tặng đã khai với cơ quan công an. Tuy vậy, đây mới là phỏng đoán, cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra, xem xét một cách kỹ lưỡng tất cả các tình tiết khách quan của vụ án để làm rõ các vấn đề này.

“Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với Tặng, khi xét xử, các cơ quan tố tụng cũng cần phải xem xét đến tình tiết giảm nhẹ đối với Tặng, ngay sau khi gây án Tặng đã lập tức đến cơ quan công an để tự thú. Đây có thể được xem là đối tượng đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, tự nguyện trình báo để nhận sự khoan hồng của pháp luật. Đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự”- Luật sư Hòe phân tích.

Thanh Trầm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm