Từ vụ nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung:

“Cần xem xét trang bị công cụ hỗ trợ cho nhà báo khi tác nghiệp”

(Dân trí) - Vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị các đối tượng hành hung dã man ngày 24/3/2016, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự manh động, coi thường pháp luật của những đối tượng gây án và cũng cho thấy sự nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo.

PV Dân trí đã có buổi trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) và luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) xung quang vụ việc này

PV: Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc nhà báo bị hành hung, cản trở trong quá trình tác nghiệp xảy ra thường xuyên, gần đây nhất là vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung. Theo luật sư, hành lang luật pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nhà báo đã đủ mạnh để các nhà báo yên tâm tác nghiệp trong những môi trường nguy hiểm?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Thứ nhất, theo quy định của Bộ luật hình sự. Những hành vi đe dọa, xúc phạm, xâm phạm sức khỏe, tính mạng của nhà báo, phóng viên có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội danh như sau:

Một là, trường hợp trong quá trình tác nghiệp mà các phóng viên, nhà báo bị các cá nhân khác xúc phạm, lăng mạ, đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng xâm phạm nghiêm trọng đến đến nhân phẩm, danh dự của họ thì các cá nhân này sẽ phải bị xử lý về trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 121 BLHS.


Luật sư Trương Quốc Hoè.

Luật sư Trương Quốc Hoè.

Cụ thể, Điều 121: Tội làm nhục người khác

Thứ nhất, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”

Theo quy định trên đây chỉ cần người nào có hành vi, lời nói có tính chất thóa mạ, xỉ nhục, miệt thị, hạ thấp danh dự, xúc phạm đến nhân phẩm như chửi bới, nhạo báng…..hoặc có thể là những cử chỉ, hành vi có tính chất bỉ ổi, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì đã đủ dấu hiệu cấu thành “Tội làm nhục người khác”.

Thiết nghĩ nhà báo, phóng viên là những người luôn phản ánh sự thật của đời sống, lên án những hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức, là những người góp phần mang lại công bằng cho xã hội. Vì vậy, những hành vi đe dọa, xỉ nhục, lăng mạ nhà báo là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của họ, vì vậy cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật hình sự về “Tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 121 BLHS.

Hai là, việc hành hung nhà báo dù vì bất kỳ lý do gì cũng phải xử lý thật nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là với trường hợp của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng mới bị hành hung ngày 24/3/2016. Trong trường hợp này, các đối tượng hnahf hung nhà báo Hoàn đã đủ dấu hiệu cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 bộ luật hình sự.

Đối với tội “Cố ý gây thương tích” chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này trong trường hợp tỷ lệ thương tích phải từ 11% trở lên hoặc trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 104. Như vậy, việc xác định tỷ lệ thương tật của nhà báo Hoàng là rất quan trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự và xác định tội danh đối với những đối tượng này.

Trong vụ việc này, nhà báo Hoàng đã bị đánh dập nát ngón tay nên có thể thuộc trường hợp “gây cố tật nhẹ” theo điểm b khoản 1 Điều 104.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003 NQ-HĐTP ngày 17/04/2003 quy định về gây cố tật nhẹ cho nạn nhân là trường hợp làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân. Ví dụ “Gây thương tích làm cứng các khớp liên đốt ngón tay giữa ở tư thế bất lợi có tỷ lệ thương tật từ 7% đến 9% (Điểm c mục 5 phần IV, Chương I Bản quy định tiêu chuẩn thương tật ban hành kèm thông tư Liên tịch Bộ y tế - Lao động - thương binh và xã hội số 12-TT/LB ngày 26/07/1995).


Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị đánh bầm dập ở tay và nhiều chỗ khác (Ảnh: Lao Động)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị đánh bầm dập ở tay và nhiều chỗ khác (Ảnh: Lao Động)

Như vậy, ngay cả trong trường hợp tỷ lệ thương tật của nhà báo Hoàng là dưới 11% thì các đối tượng này vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 BLHS, nếu tỷ lệ thương tật cao hơn thì có thể bị truy cứu theo khoản 2, khoản 3 của Điều luật.

Ngoài ra, không loại trừ trường hợp các đối tượng này được người khác thuê để trả thù nhà báo Hoàng. Nếu qua quá trình điều tra, xác minh được những đối tượng này được người khác thuê để gây thương tích cho nhà báo thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm h, Khoản 1, Điều 104 BLHS: “Thuê người gây thương tích hoặc gây thương tích thuê” nếu tỷ lệ thương tật là dưới 11%, trong trường hợp tỷ lệ thương tật trên 11% thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 104 BLHS.

Thứ hai, theo quy định của Luật báo chí, những hành vi đe dọa, hành hung, xâm phạm danh dự nhân phẩm, xúc phạm đến sức khỏe, tính mạng của các nhà báo, phóng viên không chỉ được quy định trong bộ luật hình sự mà nó còn được quy định trong Luật báo chí. Những hành vi này đã vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật báo chí: “Người vi phạm các quy định về cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí, thành lập cơ quan báo chí, phát hành, quảng cáo, họp báo, cản trở hoạt động báo chí, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo và các quy định khác của Luật này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, với hành vi cản trở hoạt động báo chí, hành hung, gây thương tích đối với các nhà báo, những cá nhân đã có những hành vi này sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết các cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động báo chí, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, hay nguy hiểm hơn là có những hành vi hành hung các nhà báo cũng mới chỉ bị xử lý kỷ luật, hoặc xử phạt hành chính mà chưa có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm hình sự. Như vậy có công bằng hay không khi mọi hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, xúc phạm đến sức khỏe, tính mạng của công dân đề bị xử lý trách nhiệm hình sự, còn đến khi các nhà báo, phóng viên bị xâm phạm thì các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử phạt hành chính.

Điều này đã tạo nên một tiền lệ xấu đối với các cá nhân, tổ chức đã có hành vi nêu trên và gây hoang mang cho các nhà báo.

Luật sư Trương Anh Tú: Hiện nay, chúng ta đã có nhiều quy định pháp luật để có thể bảo vệ cho các nhà báo, chẳng hạn Luật báo chí 1989 có quy định tại khoản 4 Điều 15 rằng Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Sau khi Luật báo chí 1989 được sửa đổi bổ sung năm 1999 thì quy định trên vẫn được ghi nhận tại điểm đ khoản 1 Điều 15.

Bộ luật hình sự cũng có những quy định về bảo vệ sức khỏe, tính mạng của công dân, theo đó tính mạng sức khỏe của công dân nói chung (trong đó có các nhà báo) được nhà nước ghi nhận và bảo hộ, người nào có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của công dân có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo các tội danh được quy định tại Chương XII Bộ luật hình sự, như: Tội giết người Điều 93, tội Đe dọa giết người Điều 103, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác Điều 104.

Qua đó, có thể thấy pháp luật hiện hành đã có những quy định đủ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhà báo. Mặc dù đã có nhiều quy định pháp luật có thể bảo vệ cho các nhà báo nhưng đây chỉ là những điều luật áp dụng chung cho toàn dân mà còn thiếu những quy định cụ thể mà trong đó đối tượng được bảo vệ là nhà báo, chúng ta có thể thấy cán bộ công chức khi làm nhiệm vụ mà bị chống đối thì đối tượng chống đối đó có thể bị xử lý về tội “Chống người thi hành công vụ” hay “Vì lý do công vụ của nạn nhân” cũng là một tình tiết tăng nặng khi xử lý hình sự, tuy nhiên hành vi chống đối lăng mạ, xúc phạm nhà báo diễn ra hằng ngày nhưng khó có thể xử lý vì còn thiếu chế tài, có chăng là xử lý hành chính, nhưng cũng rất ít trường hợp bị xử lý.


Luật sư Trương Anh Tú.

Luật sư Trương Anh Tú.

PV: Những cơ quan pháp luật nào có vai trò bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Theo quy định tại Điều 16 Luật báo chí năm 1989 thì Hội nhà báo Việt Nam sẽ là cơ quan có trách nhiệm giải quyết và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nhà báo khi bị đe dọa, xúc phạm, hành hung.

“Điều 16. Hội nhà báo Việt Nam Hội nhà báo Việt Nam có quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng và góp phần thực hiện chính sách thông tin - báo chí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo”

Tuy nhiên, trong trường hợp các cá nhân, tổ chức có hành vi đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm sức khỏe, tính mạng của nhà báo, phóng viên mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì Hội nhà báo Việt Nam cũng không thể đứng ra để giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà báo, phóng viên. Với những trường hợp hành vi của các cá nhân đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì chính các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải vào cuộc, điều tra, truy tố, xét xử những cá nhân đã có hành vi phạm tội để họ phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi của mình. Trong trường hợp này khi phát hiện thấy có dấu hiệu của tội phạm thì Cơ quan cảnh sát điều tra nơi xảy ra sự việc phải tiến hành điều tra, xem xét ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về hành vi phạm tội của các cá nhân có hình vi vi phạm, bên cạnh đó Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp sẽ là cơ quan ra Quyết định truy tố và Tòa án nhân dân cùng cấp sẽ là cơ quan thụ lý, giải quyết, đưa ra xét xử để tuyên phạt các cá nhân phạm tội.

Luật sư Trương Anh Tú: Hiện nay, nhìn chung các cơ chế thực thi cũng như các quy định cụ thể để trực tiếp bảo vệ sức khỏe tính mạng, tài sản và hoạt động của các nhà báo còn hạn chế, dẫn đến việc nhà bảo không được bảo vệ đầy đủ theo tinh thần của Luật báo chí: “Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.” (điểm đ khoản 1 Điều 15 Luật báo chí sửa đổi 1999). Việc bảo hộ hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo nhìn chung mới ở mức hình thức mà chưa có những cơ chế hữu hiệu để bảo vệ tác nghiệp của nhà báo, quyền của các nhà báo trong hoạt động báo chí không phải bao giờ cũng đi liền với nghĩa vụ của những đối tượng khác.

Nhiều vụ việc nhà báo bị hành hung gây thương tích nhưng mức độ xử lý chưa đúng theo quy định của pháp luật, trong việc xử lý các đối tượng đôi khi còn chưa tương xúng với hành vi, qua đó thiếu sự răn đe đối với các đối tượng cản trở hoạt động của nhà báo qua việc hành hung gây thương tích xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của nhà báo.

Vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung ngay trên địa bàn thủ đô, trong khi Quốc hội đang họp bàn về dự thảo Luật báo chí sửa đổi là một vụ việc rất nghiêm trọng, cần điều tra xử lý nghiêm minh ba đối tượng côn đồ theo đúng quy định của pháp luật để răng đe các hành vi đe dọa, hành hung, khủng bố, truy sát làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nhà báo đang ngày càng gia tăng.

PV: Có ý kiến cho rằng nên trang bị thêm phương tiện bảo vệ nhà báo tác nghiệp như đối với chiến sĩ công an, ý kiến của ông về vấn đề này?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Hiện nay, luật báo chí cũng như các quy định của pháp luật hiện hành thì chúng ta mới chỉ thấy những chế tài xử phạt sau khi đã có hậu quả xảy ra. Như vậy, với tình hình hiện nay thiết nghĩ rất cần có những quy định để bảo vệ các nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Theo tôi, pháp luật cũng nên quy định cho các nhà báo, phóng viên được sử dụng các công cụ hỗ trợ trong quá trình tác nghiệp đối với những trường hợp đặc biệt khi họ bị các đối tượng hành hung, gây thương tích để có thể tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, song song với việc được sử dụng những công cụ hỗ trợ này thì các nhà báo, phóng viên cũng phải chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng những công cụ này của mình.

Cảm ơn luật sư!

Thanh Trầm (thực hiện)