Bình Định:

Bình Định: Chủ rừng phải “đóng phí” đường nông thôn mới để được vận chuyển keo?

(Dân trí) - Nhiều hộ trồng rừng ở xóm 4, thôn Phước Thọ, xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) bức xúc gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng “tố” 2 người dân trong thôn lợi dụng xi măng dự án làm đường nông thôn mới (NTM) để thu phí bất hợp lý.

Buộc đóng “phí” 6-12 triệu đồng/ha

Một số người trồng rừng xóm 4, thôn Phước Thọ phản ánh, hiện nay các hộ trồng keo tại Gò Sỏi đứng ngồi không yên vì keo đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không thể vào khai thác. Lý do, ông Phan Văn Tân và Phạm Văn Bé (người cùng địa phương) yêu cầu phải đóng “phí” đường nông thôn mới (NTM). Trong khi đó, phí quá cao khiến người dân bức xúc kiến nghị lên cơ quan chức năng nhờ vào cuộc.

Anh Chấn đang lo lắng vì 6ha đang chuẩn bị khai thác nhưng không biết vận chuyển bằng cách nào.
Anh Chấn đang lo lắng vì 6ha đang chuẩn bị khai thác nhưng không biết vận chuyển bằng cách nào.

Theo anh Phạm Trung Chấn (32 tuổi, trú thôn Phước Thọ, xã Mỹ Hòa), trình bày năm 2016, khi địa phương có chủ trương bê tông hóa giao thông nông thôn, ông Bé và ông Tân đứng ra nhận xi măng do Nhà nước hỗ trợ và bỏ kinh phí ra làm một đoạn đường bê tông dài 800 m. Riêng đoạn đường dài 1,2 km, ông Tân tự nâng cấp, mở rộng thêm ra 4 m. Tuy nhiên, làm đường xong 2 ông này yêu cầu các hộ dân có rừng phải đóng 6 triệu đồng/ha, nếu đi trên đường bê tông và 12 triệu/ha đối với đường đất.

Anh Chấn bức xúc: “Tôi thấy quá vô lý! Nhưng mức tiền ông Bé và ông Tân buộc chúng tôi đóng quá cao, nếu tính như vậy có hộ phải đóng 60-70 triệu. Riêng gia đình tôi có gần 6 ha keo phải đóng gần 100 triệu đồng. Giờ keo đang thời kì khai thác nhưng tôi chẳng biết làm cách nào vì phí quá cao nên tôi kiên quyết không nộp. Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại lên xã, huyện nhưng chưa được xử lý thỏa đáng”.

Điều người dân bức xúc cho rằng, ông Tân và ông Bé tận dụng xi măng Nhà nước hỗ trợ làm đường NTM xong lại yêu cầu họ đóng góp với số tiền áp đặt quá cao nên không thể chấp nhận.

Chính quyền xã Mỹ Hòa đã họp các chủ rừng để làm việc nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Chính quyền xã Mỹ Hòa đã họp các chủ rừng để làm việc nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Anh Trần Văn Lộc (ở xóm 4) cho biết: “Trước khi mở rộng đoạn đường 1,2 km, ông Tân đến các hộ có rừng vận động để cho ông làm đường rồi ông sẽ xin xã không thu tiền đổ đất. Nhưng khi làm xong, ông Tân nói xã không cho tiền đổ đất nên bắt dân phải đóng. Gia đình tôi phải đóng tất cả các khoản phí hơn 50 triệu đồng rồi. Chúng tôi mong chính quyền vào cuộc làm rõ sáng tỏ, đoạn đường này hết bao nhiêu tiền, bao nhiều đóng và đóng mức bao nhiêu cho phù hợp”.

Ngoài ra, trong đơn khiếu nại, người dân còn “tố” ông Tân và ông Danh (cán bộ địa chính xã Mỹ Hòa) lợi dụng quyền hạn để làm đường bê tông rồi thu phí. Tuy nhiên, việc này lãnh đạo xã Mỹ Hòa khẳng định việc người dân tố cáo ông Danh không đúng sự thật.

Địa phương chủ quan, thiếu sâu sát?

Theo ông Phạm Văn Bé (67 tuổi), giải thích: Trước đây, còn đường đất khi vận chuyển keo đường hư hỏng nên bị dân chặn không cho đi. Năm 2016, có chương trình làm đường NTM nên hơn 10 hộ dân có rừng đã họp bàn xin nhà nước hỗ trợ xi măng và thống nhất cùng góp tiền làm đường bê tông. Sau đó, ông và ông Tân bỏ tiền thuê nhân công làm đường bê tông suốt 40 ngày mới xong, tổng kinh phí làm đường tốn gần 200 triệu đồng.

Anh Chấn cho rằng, ông Tân tự ý mở đường chứ anh không thống nhất vì đường trước đây gia đình anh vẫn đi bình thường.
Anh Chấn cho rằng, ông Tân tự ý mở đường chứ anh không thống nhất vì đường trước đây gia đình anh vẫn đi bình thường.

“Trước khi làm, các hộ có rừng thống nhất góp 5 triệu đồng/ha đất rừng. Tuy nhiên, sau đó một số hộ không tham gia vì đi đường khác để vận chuyển gỗ keo. Số hộ đóng góp tiền giảm xuống nên mức đóng góp tăng lên 6 triệu đồng/ha. Đến nay, chỉ có 6 người đồng ý nộp, còn người có diện tích rừng lớn thì không chịu đóng góp”, ông Bé nói.

Trong khi đó, ông Tân cũng cho rằng, do gia đình ông có rừng nên làm đường tạo điều kiện cho bà con và gia đình cũng thuận lợi trong việc khai thác vận chuyển, không có chuyện lợi dụng kiếm lời.

Ông Trương Quang Hùng - Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ), cho biết: “Về chủ trương là đúng, nhưng việc làm đường này không phải UBND xã chủ trì thực hiện mà do đại diện nhóm hộ dân có rừng tại địa phương tự thống nhất, vận động cùng nhau để làm đường. Ông Tân và ông Bé đại diện nhóm hộ này tự bỏ tiền ra làm đường bê tông, sau đó các hộ sẽ đóng góp tiền trả lại. Tuy nhiên, khi làm xong đường thì các hộ dân không đồng ý nộp vì cho rằng phí quá cao nên phát đơn khiếu nại với mục đích không nộp tiền”.

Theo ông Hùng, UBND xã Mỹ Hòa đã mời nhóm hộ dân có rừng họp và thống nhất, yêu cầu ông Bé và ông Tân vận động người dân nộp tiền theo thỏa thuận ban đầu để thu hồi vốn. Việc này phải thực hiện đúng quy định, không được lợi dụng để sinh lời. Việc ông Tân và ông Bé đã cam kết trước UBND xã, nhưng nếu như 2 ông này có thái độ hành hung hay cấm phương tiện lưu thông trên đường để ép buộc các hộ có rừng nộp tiền thì địa phương sẽ cử lực lượng chuyên môn vào xử lý.

Để vận chuyển keo, các hộ dân có rừng ở xóm 4, thôn Phước Thọ phải đóng 6 triệu đồng/ha, nếu đi đường bê tông và 12 triệu/ha, nếu đi đường đất.
Để vận chuyển keo, các hộ dân có rừng ở xóm 4, thôn Phước Thọ phải đóng 6 triệu đồng/ha, nếu đi đường bê tông và 12 triệu/ha, nếu đi đường đất.

“Trước đây, địa phương cũng chủ quan tin tưởng các hộ dân tự thỏa thuận với nhau sẽ không có mâu thuẫn nên mới hỗ trợ xi măng. Địa phương đã họp dân đề nghị các chủ rừng nên họp lại để thống nhất số tiền đóng góp cho hợp lý theo diện tích của mình có nhưng các hộ có rừng vẫn không chịu, quay sang khiếu kiện làm phức tạp tình hình. Giờ chúng tôi cũng chẳng biết xử lý sao, chỉ còn cách cũ là họp dân vận động họ thôi”, ông Trương Quang Hùng nói.

Thế nhưng, người dân cho rằng tại cuộc gặp dân xóm Phước Thọ vào ngày 11/4/2018 do UBND xã Mỹ Hòa chủ trì lại không minh bạch, thiếu tính khách quan, không trung thực. Bởi, mọi ý kiến của dân không được thể hiện trong biên bản và không thông qua trước dân.

Trong khi đó, văn bản mà Thanh tra huyện nhận được của xã Mỹ Hòa gửi xuống chỉ là hình thức do chính người trong cuộc (Cán bộ xã) tự viết và tự ký để bao che cho việc làm của ông Danh và ông Tân?

Doãn Công