Bắc giang: Tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp dừng nạo vét lòng sông, tận thu cát

(Dân trí) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành công văn yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục dừng hoạt động nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa Quốc gia trên sông Cầu tại 05 đoạn cạn theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Nếu doanh nghiệp không chấp hành có thể bị kiến nghị thu hồi dự án.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn số 440/UBND-TN do ông Lại Thanh Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký về việc đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính và chấp hành các quy định trong hoạt động nạo vét, duy tu tuyến luồng đường thủy nội địa Quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Theo công văn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH một thành viên xây dựng Đông Bắc Bộ nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn lại và kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với sản phẩm tận thu (10.061 m3 cát) tại Chi cục Thuế huyện Lục Nam; bố trí trụ sở, văn phòng làm việc tại khu vực dự án. Thực hiện xong trước ngày 15/3/2017.

Trước khi tiến hành thi công nạo vét trên thực địa phải cắm bổ sung các mốc giới bị hư hỏng hoặc mất và quản lý mốc giới đã cắm trên đất bãi ven sông trong suốt quá trình thực hiện dự án; thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện và UBND các xã liên quan về kế hoạch, phương tiện thiết bị, nhân lực và thời gian, địa điểm thi công; gửi bản sao hồ sơ dự án nạo vét cho chính quyền địa phương.


Hậu quả là sông Cầu được khơi thông chưa thấy đâu mà tỉnh Bắc Ninh đang phải bố trí 30 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh để xử lý sự cố sạt lở.

Hậu quả là sông Cầu được khơi thông chưa thấy đâu mà tỉnh Bắc Ninh đang phải bố trí 30 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh để xử lý sự cố sạt lở.

Thả phao tuyến luồng, tàu thuyền thi công gắn biển báo, cờ hiệu và đánh số thứ tự khi thi công nạo vét trên sông; chấp hành nghiêm thời gian thi công và các nội dung khác theo Công văn số 3547/UBND-TN ngày 11/12/2015, số 1076/UBND-TN ngày 26/4/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh và quy định về bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khu vực thi công dự án; quản lý tài nguyên cát, sỏi chưa khai thác thuộc ranh giới đoạn cạn, bãi bồi ven sông dọc tuyến luồng được phép nạo vét, không để các tàu thuyền vào khai thác trái phép.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Cục Thuế tỉnh Bắc Giang với số tiền 111.311.600 đồng (tương ứng 38.055,25 m3 cát san lấp) và kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với sản phẩm đã tận thu (1.060 m3 cát) tại Chi cục Thuế huyện Lục Nam. Thực hiện xong trước ngày 15/3/2017.

Đặc biệt, Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu phải tiếp tục dừng hoạt động nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa Quốc gia trên sông Cầu tại 05 đoạn cạn đã được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận cho gia hạn thời gian tại Công văn số 3392/UBND-TN ngày 27/10/2016 (theo yêu cầu của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tại Công văn số 2555/CĐTNĐ-KHĐT ngày 01/12/2016). Công ty này chỉ được thi công nạo vét trở lại trên thực địa sau khi Bộ Giao thông vận tải có văn bản cho phép tiếp tục thực hiện dự án và nộp xong tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nêu trên.

Trong trường hợp dự án được phép hoạt động trở lại, công ty phải cắm cọc tiêu (mốc giới) trên bờ sông tương ứng với điểm đầu, điểm cuối đoạn cạn được phép nạo vét và quản lý mốc giới đã cắm trên thực địa trong suốt quá trình thực hiện dự án; có văn bản thông báo danh sách phương tiện thi công, nhân sự điều khiển phương tiện thi công, thời gian thi công, đoạn cạn thực hiện nạo vét đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an tỉnh Bắc Giang và UBND các huyện, xã liên quan để phối hợp quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của đơn vị. Trong quá trình thi công nạo vét trên thực địa phải chấp hành nghiêm các nội dung yêu cầu tại mục 2.2 Công văn số 3392/UBND-TN ngày 27/10/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Trường hợp công ty này không thực hiện nghiêm các chỉ đạo, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở TNMT tham mưu cho UBND tỉnh tạm dừng dự án nạo vét này và kiến nghị Bộ GTVT thu hồi dự án.

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Dự án duy tu nạo vét luồng ĐTNĐ quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu, đoạn từ Km1 000 đến km 3 000, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã có văn bản ngày 1/12/2016 gửi nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu) yêu cầu tạm dừng thi công dự án từ ngày 5/12/2016.

Bộ GTVT giao Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư và các cơ quan chức năng địa phương (tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang) kiểm tra hiện trạng luồng tuyến thuộc phạm vi dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để làm rõ các nội dung tại văn bản số 374/UBND-NN.TN ngày 29/11/2016 của UBND tỉnh Bắc Ninh; Trường hợp nếu đoạn cạn trên đã đạt chuẩn tắc luồng được Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam phê duyệt thì dừng thực hiện dự án.


Công văn hồi âm của Bộ GTVT gửi UBND tỉnh Bắc Ninh.

Công văn hồi âm của Bộ GTVT gửi UBND tỉnh Bắc Ninh.

Trước đó, Công văn số 374/UBND-NN.TN ngày 29/11/2016 của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi nhiều Bộ trưởng và Thứ trưởng cho biết: Năm 2014, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 3 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư (2 dự án trên sông Đuống, 1 dự án trên sông Cầu).

Tuy nhiên, do trong quá trình triển khai dự án đã xảy ra việc lợi dụng việc thực hiện dự án để khai thác cát trái phép, gây bức xúc cho nhân dân. Hay nói một cách dễ hiểu là đã xảy ra tình trạng cát tặc được hợp thức hoá dưới dạng các dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa được cấp phép.

UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ ra cụ thể: Ngày 1/3/2016 tại vị trí tương ứng K74 400 ÷ K74 500 đê hữu Cầu, bờ, bãi sông bị sạt lở đứng thành chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào bãi từ 5÷10m, vị trí sạt lở gần nhất cách đê 25m. Một trong những nguyên nhân của sự việc trên là do Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu triển khai thi công dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm từ Km1 000 đến Km30 000 thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang.

Và hậu quả là sông Cầu được khơi thông chưa thấy đâu mà tỉnh Bắc Ninh đang phải bố trí 30 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh để xử lý sự cố trên. Do vậy, từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã không cấp phép cho đơn vị nào thực hiện dự án trên.

Tuy nhiên, từ tháng 11/2016 đến nay, trên địa bàn sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện lại việc thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, gây bức xúc cho nhân dân tỉnh Bắc Ninh, đồng thời gây mất an ninh nông thôn tại các xã Việt Thống, Quế Tân, Phù Lương, Phù Lãng, huyện Quế Võ.

“Các tàu hút vận hành cả ngày lẫn đêm, trung bình có khoảng 40 tàu thực hiện. Qua tìm hiểu được biết UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đồng ý cho Cục đường thủy nội địa được tiếp tục triển khai dự án đến hết năm 2017, tại các vị trí trên, theo khảo sát của tỉnh Bắc Ninh lòng sông có chiều rộng từ 150m đến 220m, có độ sâu trong phạm vị nạo vét luồng đường thủy nội địa từ -15m đến -25m, do vậy có thể khẳng định không có việc tàu mắc cạn khi lưu thông trên khu vực này”.

Đó là nguyên do mà UBND tỉnh Bắc Ninh phải có công văn khẩn cầu gửi nhiều Bộ đề nghị yêu cầu dừng ngay các dự án trên.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, sự chấp thuận của UBND tỉnh Bắc Giang bị UBND tỉnh Bắc Ninh phản ứng trong dự án nạo vét, khơi thông sông Cầu được hành chính hoá bằng văn bản số 3392/UBND-TN về việc gia hạn cho công ty cổ phần trực vớt luồng hạ lưu nạo vét tuyến luồng đường thuỷ nội địa Quốc gia và tận thu cát làm vật liệu san lấp tại 5 đoạn cạn trên sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang.

Công văn số 3392/UBND-TN do ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký ngày 27/10/2016.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế