Bài 6 vụ chống lệnh Toà Cấp cao:
Bắc Giang: Cưỡng chế xong mới ra quyết định hoãn thi hành án!
(Dân trí) - Sau buổi cưỡng chế thi hành án, nhiều đối tượng lạ mặt cầm gậy gộc đã ngang nhiên chiếm giữ hoàn toàn khuôn viên công ty Hải Hà, đuổi hàng chục cán bộ công nhân ra khỏi cổng nhà máy trong khi nhiều tài sản và cả hơn chục ha diện tích mặt bằng nhà máy đều đang là tài sản của Công ty Hải Hà. Điều khó hiểu hơn nữa là cưỡng chế xong, Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng mới ra quyết định hoãn thi hành án.
Liên quan đến vụ án có tính chất phức tạp, ngày 02/3/2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có văn bản số 03/TANDCC-KDTM về việc yêu cầu hoãn thi hành án do Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội Ngô Tiến Hùng ký thay Chánh án chỉ đạo: "Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội yêu cầu đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang ra quyết định hoãn thi hành án Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2014/TCTM-TM ngày 12/02/2014 của TAND huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang trong thời hạn 03 (ba tháng), kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án".
Hàng chục đối tượng bặm trợn lập rào chắn trước cổng nhà máy xua đuổi công nhân của công ty Hải Hà.
Thế nhưng, chỉ sau khi “tối hậu thư” được ban hành đúng 1 ngày, sáng ngày 03/3/2016, Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng đã huy động lực lượng rầm rộ cưỡng chế thi hành án tại nhà máy của Cty Hải Hà để giao tài sản cho bên công ty CP Vật liệu xây dựng Bắc Hải Hưng.
Tại buổi cưỡng chế ngày 3/3/2016, với sự hỗ trợ của hàng chục công an, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Dũng đã trục xuất toàn bộ cán bộ, lao động, tài sản, đồ đạc, tài liệu… của công ty Hải Hà ra đường. Ngay lập tức, biển hiệu của công ty Hải Hà đã bị giật phá để treo lên cổng nhà máy biển hiệu mang tên công ty Bắc Hải Hưng.
Trong vụ cưỡng chế thi hành án này, sự có mặt của lực lượng công an với biểu hiện bất thường khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Sáng ngày 9/3/2016, tại hiện trường nhà máy gạch Hải Hà, theo ghi nhận của PV Dân trí, có rất đông lực lượng công an, đối tượng lạ mặt cầm gậy gộc đang chiếm giữ, canh gác phía trong khuôn viên nhà máy. Khi được yêu cầu mở cổng thì những người này kiên quyết không mở cửa. Một lúc sau, một người mặc thường phục tự xưng là Tiến - Trưởng công an xã đi ra hùng hổ tuyên bố có nhiệm vụ “bảo vệ” tại đây đồng thời ra lệnh cho các công an viên không cho phép ai vào nhà máy.
Trong khi đó, toàn bộ quyền sử dụng hơn 10 ha đất, cổng nhà máy, phòng bảo vệ sát cổng được công ty Hải Hà xây dựng vào cuối tháng 1/2016 hoàn toàn không có trong quyết định, biên bản kê biên tài sản cưỡng chế. Do đó, cán bộ, công nhân nhà máy gạch Hải Hà đã phải phá khóa, mở cổng để vào bên trong nhà máy của mình.
Người áo đỏ tự xưng là Trưởng công an xã Lão Hộ cũng tham gia ngăn cấm cán bộ, công nhân của Công ty Hải Hà vào nhà máy.
Ngay lập tức, Công an huyện Yên Dũng đã điều hàng chục cảnh sát đến yêu cầu các nhà báo, luật sư, người của công ty Hải Hà ra ngoài đường mà không hề lắng nghe, ghi nhận phản ánh việc đang bị công nhiên chiếm đoạt tài sản từ đại diện công ty Hải Hà.
Ông Vũ Văn Sơn - Phó trưởng Công an huyện Yên Dũng còn tuyên bố lực lượng công an huyện bảo vệ tài sản cho công ty Bắc Hải Hưng, ai chống lệnh sẽ bị xử lý! Ngay sau đó, trong khi bị xô đẩy ra khỏi công ty.
Theo điều tra của PV Dân trí, vụ việc trở nên kỳ quặc khi lộ diện một Quyết định hoãn thi hành án với Công ty Hải Hà do bà Nguyễn Thị Thuỷ Khơi - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng ký ngày 4/3/2016 với thời hạn 3 tháng đến ngày 4/6/2016.
Cưỡng chế xong, ngày hôm sau, Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng mới ra Quyết định hoãn thi hành án.
Quyết định này ghi rõ các khoản hoãn thi hành: Bản án số 01/2014/TCTM-ST ngày 12/2/2014. Căn cứ để Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng này hoãn thi hành án là Công văn số 03/TANDCC-KDTM ngay 2/3/2016 của TAND Cấp cao yêu cầu hoãn thi hành án.
Như vậy, vụ cưỡng chế đã được tiến hành rầm rộ vào ngày 3/3 (sau khi TAND Cấp cao yêu cầu dừng thi hành án 1 ngày và trước khi Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng ra Quyết định hoãn thi hành án 1 ngày). Và trên thực tế, khu nhà máy gạch của Công ty Hải Hà đã tan hoang do hoàn toàn bị Công ty Bắc Hải Hưng, nhiều đối tượng xăm trổ bặm trợn và Công an xã Lão Hộ, Công an huyện Yên Dũng kiểm soát. Ban giám đốc công ty Hải Hà cũng hàng chục công nhân đã bị đuổi ra khỏi cổng.
Dư luận đặt ra câu hỏi về Quyết định hoãn thi hành án kỳ quặc của Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng liệu chỉ có giá trị trên giấy để báo cáo lên các cơ quan cấp trên?
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang xác nhận có Quyết định hoãn thi hành án với Công ty Hải Hà vào ngày 4/3 do Chi cục Thi hành án huyện Yên Dũng ban hành.
Vậy sự kỳ quặc trong việc ban hành quyết định dừng thi hành án 1 ngày sau khi tiến hành cưỡng chế được nhìn nhận dưới góc độ pháp luật như thế nào? PV Dân trí sẽ có những trao đổi nghiệp vụ với luật sư để làm rõ và thông tin đến bạn đọc Dân trí trong kỳ báo tiếp theo.
Công văn hồi âm của Tổng cục Thi hành án dân sự đến báo Dân trí sau loạt bài điều tra.
Ngày 17/3, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã có Công văn số 775/TCTHADS-GQKNTC gửi báo Dân trí cho biết: Từ thông tin phản ánh của báo Dân trí về vụ cưỡng chế thi hành án có nhiều dấu hiệu bất thường tại Công ty Hải Hà của Chi cục thi hành án huyện Yên Dũng (Bắc Giang), Tổng cục Thi hành án đã ra Quyết định thành lập tổ xác minh để xác minh sự việc, đồng thời yêu cầu Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang rà soát quá trình tổ chức thi hành án và báo cáo về Tổng cục.
Tổng Cục thi hành án cũng cam kết sẽ xử lý đúng pháp luật, đồng thời sẽ hồi âm kết quả giải quyết đến bạn đọc báo Dân trí một cách công khai.
Anh Thế