“Yếu tố bất ngờ tạo đất tốt cho tin đồn”
(Dân trí) - “Tin đồn là một điều hết sức bình thường trong mọi thị trường. Tuy nhiên, có một vài quyết định trong thời gian qua của các cơ quan chức năng khiến dân chúng bất ngờ và điều này tạo đất tốt cho tin đồn thất thiệt lan nhanh trong đời sống dân cư”.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành (người Việt đầu tiên được đào tạo trong lĩnh vực tài chính tại Mỹ, đã từng tư vấn nhiều vấn đề cho Chính phủ Việt Nam trong một số lĩnh vực kinh tế, ngoại giao) cho biết như vậy, trước những tin đồn khan hiếm gạo và tăng giá xăng khiến người dân đổ xô đi mua tích trữ, xã hội đã phải gánh chịu những áp lực và hoang mang không đáng có.
Theo ông, tại sao thời gian qua trong dân chúng lại xuất hiện những tin đồn tiêu cực như: khan hiếm gạo, xăng tăng giá và kể cả trong lĩnh vực chứng khoán?
Ở tất cả các nước đều có tin đồn thất thiệt, xảy ra hàng ngày, đâu phải chỉ riêng Việt Nam. Trong thời kỳ có sự thay đổi lớn trong chính sách, những quyết định của Nhà nước, thường dễ xuất hiện tin đồn hơn.
Vấn đề ở đây, khi có những tin đồn như vậy, xử lý mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào, tốc độ lan truyền như thế nào là trách nhiệm của cơ quan báo chí, cơ quan truyền tin và cả cơ quan quản lý về thông tin của Nhà nước.
Các cơ quan có trách nhiệm quản lý Nhà nước nên có những thông tin chính xác, kịp thời để dân chúng có ngay những quyết định, phải xử lý những tin đồn đó thật sự nghiêm túc.
Khi có tin đồn, nếu cứ để cho qua, nó sẽ tạo ra những tâm lý bất ổn trong nhân dân. Ở các nước, nếu xảy ra tin đồn thật sự có nguy hại thì người ta sẽ dập tắt nó ngay bằng mọi cách.
Trước những tin đồn vừa qua, các cơ quan quản lý cũng đã làm công việc của mình một cách nhạy bén và nghiêm túc. Điều mà dân chúng mong chờ hiện nay là nguồn gốc thông tin xuất phát từ đâu và cách xử lý cụ thể như thế nào.
Nói như ông thì những tin đồn thất thiệt đó có cơ sở?
Về tin đồn khan hiếm gạo và giá gạo tăng cao vào hồi tháng 5 là do giá gạo trên thế giới tăng đột biến, tăng tới 1.100 - 1.200 USD/tấn gạo, trong khi bình thường chỉ có mấy trăm; bây giờ rút xuống chỉ còn 500 - 700 USD/tấn.
Trong thời kỳ đó, khan hiếm gạo không chỉ có ở Việt Nam, mà ở cả bên Mỹ, ở các siêu thị Mỹ, người dân ùn ùn đi mua tích trữ. Nó có một hiện trạng như vậy, người ta dễ đồn lên để mua bán có lợi.
Có những tiểu thương xuống ĐBSCL mua gạo tạo nên một thị trường và khi mua người ta đều phao tin cho mọi người biết, nhưng khi bán ra người ta không cần phải nêu tên. Tất cả mọi thị trường đều có vấn đề làm giá một cách không có thật như vậy.
Tin đồn là một điều hết sức bình thường trong mọi thị trường. Chỉ riêng trong thị trường chứng khoán, nhiều khi người ta cũng đưa thông tin ra làm giá, người nào không biết thì sẽ ào ào vào mua.
Về vấn đề xăng dầu của mình, nó có một điểm cũng nên quan tâm, đó là trước khi tăng giá xăng dầu vào ngày 21/7, các cơ quan Nhà nước khẳng định trên một số tờ báo là không tăng các mặt hàng thiết yếu cho đến hết năm.
Điều này khiến người dân dễ hiểu rằng, sẽ không có tăng giá xăng dầu. Và sau đó, cơ quan chức năng đột nhiên tăng giá lên và tăng giá rất cao, lên tới 31%, dễ làm người dân hiểu nhầm giữa lời tuyên bố và việc làm không đồng nhất với nhau.
Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước phải cần rất thận trọng, nếu có sự thay đổi chính sách thì phải có công bố như thế nào để cho dân chúng khỏi bị bất ngờ. Vì cái bất ngờ đó đã tạo đất tốt, cơ hội tốt cho những người đầu cơ tích trữ có thể đưa ra những tin đồn không có cơ sở nhưng lại có thể được dân chúng tin. Đây là cái nguy hiểm.
Nhưng thưa ông tăng - giảm giá xăng dầu, nếu báo trước thì sẽ tạo điều kiện cho giới đầu cơ găm hàng?
Nhà nước cần tổ chức các phương thức và cách xử lý như thế nào cho phù hợp. Nói là đột ngột thì đột ngột với một số người này nhưng không đột ngột với một số người khác. Còn những người nếu có thông tin nội gián thì người ta làm giàu rất nhiều…
Giả sử ở trong cơ quan nhà nước có vị nào bán tin ra cho bà con, anh em, họ hàng biết trước, để có thể đầu cơ tích trữ được thì đó gọi là thông tin nội gián và điều này là bất hợp pháp. Trong chứng khoán thì có luật cấm, nhưng xăng dầu chưa có quy định này vậy nên từ chỗ phao tin đồn để lần ra người bán tin để có thể xử lý mang tính chất tiêu biểu, răn đe.
Ông có lời khuyên gì đối với người dân khi tiếp cận các nguồn tin?
Phải tiếp cận một cách có chọn lọc, chứ việc đổ xô đi mua gạo, đổ xô đi mua xăng của một bộ phận dân cư thời gian qua cho thấy tâm lý người dân Việt Nam rất bị ảnh hưởng và a dua theo đám đông.
Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm về thông tin cũng phải cung cấp thông tin cho chính xác, cung cấp đủ thông tin để người dân có thể sắp xếp việc làm từ sản xuất kinh doanh đến việc kinh tế gia đình, nếu không thông tin sẽ bị sai lạc.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hiền