Bình Dương:
Yêu cầu xử lý đúng quy trình vụ “chôn lén” 5.000 tấn sữa
(Dân trí) - Sau khi phát hiện sai phạm tại Xí nghiệp xử lý chất thải Nam Bình Dương, Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước-Môi trường tỉnh Bình Dương đã có công văn yêu cầu tiêu hủy lại 5.000 tấn sữa Dutch Lady đúng theo quy trình bắt buộc.
Theo quy trình xử lý đúng tiêu chuẩn thì toàn bộ số sữa bị Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát môi trường Bình Dương phát hiện trước đó phải được tách bỏ khỏi bao bì để tiến hành xử lý phần nước. Riêng phần bao bì, vỏ hộp được xác định là chất khó có thể tiêu hủy trong môi trường chôn lấp tự nhiên, nên phải được thu gom, đốt bỏ đúng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
Như Dân trí đã đưa tin, vào sáng ngày 19/5, Đoàn thanh tra liên ngành về môi trường đã bất ngờ kiểm tra, phát hiện gần 5.000 tấn trong tổng số 15.500 tấn sữa hộp đã hết hạn sử dụng được chôn tại Xí nghiệp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương.
Đây là số sữa đã hết hạn sử dụng của Công ty FrieslandCampina Việt Nam đóng tại xã Bình Hòa, huyện Thuận An giao cho Xí nghiệp này theo hợp đồng xử lý chất thải với giá trên 20 tỷ đồng.
Tại đây, đoàn kiểm tra, phát hiện hàng ngàn tấn sữa (loại sữa nước) của nằm xen lẫn với rác thải sinh hoạt đang chuẩn bị chôn lấp, bên dưới không phủ kín bao nylon như quy định.
Mở rộng kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều loại chất thải nguy hại khác như: mực in, bùn thải và các loại rác thải công nghiệp chưa qua xử lý cũng được chôn lấp lẫn với rác thải sinh hoạt.
Theo Ông Nguyễn Văn Thiền, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước-Môi trường tỉnh Bình Dương, sau khi phát hiện sai phạm tại xí nghiệp Nam Bình Dương, công ty đã yêu cầu Xí nghiệp này ngưng ngay việc ký kết hợp đồng tiếp nhận rác công nghiệp và rác thải nguy hại trong vòng hai tháng tới để tập trung xử lý lượng chất thải thu gom còn tồn đọng ở xí nghiệp. Toàn bộ quy trình xử lý lại chất thải lần này được giao cho ông Ngô Văn Lui, Phó giám đốc công ty trực tiếp theo dõi.
Đồng thời, ông Thiền khẳng định, nếu không đạt thỏa thuận cho tiêu hủy tiếp, bên phía Công ty cấp thoát nước-môi trường Bình Dương xin thanh lý hợp đồng với Công ty FrieslandCampina Việt Nam và chịu mức phạt 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm để đơn vị này tìm một công ty khác xử lý số sữa quá hạn còn lại.
Đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra về mức độ nguy hại đến môi trường từ việc lén chôn hàng ngàn tấn sữa trong bãi rác sinh hoạt để từ đó có hình thức xử lý cụ thể.
Thế Phong