Yêu cầu hỗ trợ học phí cho học sinh các trường dân lập, tư thục
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Chính trị đã yêu cầu Đảng ủy Chính phủ, Bộ GD&ĐT mở rộng đối tượng miễn học phí với học sinh từ mầm non tới trung học phổ thông tại các trường dân lập, tư thục.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 17/4.
Tại dự thảo này, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết Chính phủ đề xuất quy định và cơ chế thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất 2 chính sách quan trọng.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Hồng Phong).
Một là hỗ trợ chi phí học tập với việc đề nghị bổ sung đối tượng hỗ trợ chi phí học tập bao gồm cả trẻ mẫu giáo đang học tại các trường mầm non dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Hai là chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ khi đến trường, Chính phủ đề nghị Quốc hội quy định nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi cao hơn quy định hiện hành.
Nguồn lực để thực hiện chính sách, theo tính toán dự kiến, kinh phí cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3-5 tuổi (giai đoạn 2026 - 2030) là 116.314 tỷ đồng.
Trong đó, kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo (hỗ trợ chi phí học tập và tiền ăn trưa) là 1.062 tỷ đồng/năm; kinh phí hỗ trợ tuyển dụng giáo viên mẫu giáo là 2.827 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện phổ cập là 3.296 tỷ đồng/năm; kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất là hơn 91.872 tỷ đồng.
Theo quan điểm của cơ quan thẩm tra, để triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn.
Do đó, Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị đánh giá kỹ lưỡng nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết có thuộc 20% tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục, đào tạo hay không.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ việc dành nguồn lực chi cho giáo dục mầm non sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thực hiện các nhiệm vụ khác của lĩnh vực giáo dục và đào tạo…
Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội thống nhất kiến nghị nguồn kinh phí thực hiện nghị quyết do ngân sách Trung ương hỗ trợ tăng thêm ngoài 20% tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi (Ảnh: Hồng Phong).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng băn khoăn việc chỉ bổ sung đối tượng hỗ trợ học phí với trẻ mầm non ở khu công nghiệp mà không mở rộng tất cả trẻ mầm non khối dân lập, tư thục.
Đồng tình với chính sách của Chính phủ đề xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng không nên băn khoăn nguồn lực. "Nếu cần thiết thì 100.000 tỷ đồng, thậm chí 1 triệu tỷ cũng phải làm", ông Mãi nhấn mạnh.
Giải trình thêm nội dung này, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sau khi quyết định miễn học phí cho học sinh công lập cả nước từ năm học 2025-2026, Bộ Chính trị cũng có kết luận yêu cầu Đảng ủy Chính phủ, Bộ GD&ĐT, mở rộng đối tượng miễn học phí đối với học sinh từ mầm non tới trung học phổ thông tại các trường dân lập, tư thục.
Theo đó, học sinh trường dân lập, tư thục được cấp bù học phí bằng mức học phí của trường công lập theo quy định. Bộ GD&ĐT đang soạn thảo nghị quyết của Quốc hội về việc miễn học phí, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tuần này.